Vụ ồn ào xung quanh chuyện Mỹ Tâm vi phạm tác quyền ca khúc nhạc ngoại lời Việt của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng khi sử dụng ca khúc “Anh thì không” mà không xin phép tác giả đã tạm lắng xuống nhưng từ đó nổi lên vấn đề cần được quan tâm đó là tác quyền âm nhạc được xử lý như thế nào đối với ca khúc nhạc ngoại lời Việt.
Tác giả lời Việt: Ít ai biết
Có đến hàng ngàn ca khúc nhạc ngoại lời Việt đang lưu hành nhưng đa phần người sử dụng không biết tác giả lời Việt là ai. Một phần do các tài liệu âm nhạc quảng bá ít chú trọng đến tác giả lời Việt. Phần nữa, hầu như các ca sĩ đã quen cách làm lâu nay hễ muốn thì cứ hát, ít người liên lạc xin phép tác giả phần chuyển soạn lời Việt. Trước đây, vấn đề thu phí tác quyền cho tác phẩm phái sinh hầu như không được tác giả chú trọng nên lâu dần trở thành cái lệ xài miễn phí.
Trường hợp Mỹ Tâm là một ví dụ. Nếu nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng không lên tiếng khi thấy Mỹ Tâm sử dụng ca khúc “Anh thì không” do ông đặt lời Việt để làm video ca nhạc, “sốt” trên YouTube mà không xin phép tác giả thì công chúng có mấy người biết cha đẻ của tác phẩm phái sinh này là ông.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam, ghi nhận nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng là người chuyển ngữ nhiều nhất, lên tới hàng trăm ca khúc nhạc ngoại. Nhiều năm qua, ca sĩ đã hát các ca khúc do ông viết lời Việt: “Anh thì không”, “Khúc tình dối gian”, “Em đẹp như mơ”, “Trả lại đời nhau”, “Ái ân ngày đầu”, “Tình xa khuất rồi”, “Khúc tình tàn phai”, “Tình ca sĩ”, “Nghìn năm tha thiết”, “Chuyện phim buồn”, “Búp bê không tình yêu”…
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết các nhạc sĩ khác mỗi người chỉ chuyển ngữ vài bài chứ không nhiều như nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng. Thế nhưng, kể cả khi đã chuyển ngữ nhiều như thế, mà đến chính những người làm nghề như các ca sĩ cũng không nhớ tác giả viết lời Việt là ai, đừng nói đến công chúng.
Vi phạm tác quyền nguyên bản
Hầu hết các bài hát nhạc ngoại đặt lời Việt trước đây đều không xin phép tác giả bản gốc. Thường khi nghe bản nhạc gốc thấy hay, các nhạc sĩ chuyển ngữ hay đặt lời mới bằng tiếng Việt. Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cho biết hầu như tất cả ca khúc mà ông viết lời Việt đều đã thực hiện từ rất lâu rồi và không nghĩ đến chuyện cần phải xin phép tác giả gốc.
Vì vậy khi xảy ra tranh chấp tác quyền của tác phẩm phái sinh, xét ra, cả bên tác giả của tác phẩm phái sinh và người sử dụng đều vi phạm tác quyền.
Luật sư Quốc Tuấn, Văn phòng Luật Quốc Tuấn (quận Tân Phú, TP HCM), cho rằng: “Việc đầu tiên là cần phải xác định lại nhạc sĩ viết tác phẩm phái sinh theo tác phẩm gốc là hợp pháp hay không và đã đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm phái sinh đó tại Việt Nam chưa?”.
Ông Hoàng Văn Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam, cho biết: “Ca khúc “Anh thì không” tên nguyên bản là “Toi Jamais”, được tác giả Michel Mallory (Pháp) sáng tác vào năm 1976. Tác giả này đã ký hợp đồng ủy quyền với Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam thông qua Tổ chức Sacem và Publisher (Pháp). Nếu nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng muốn khẳng định bản quyền tác phẩm phái sinh, cần làm đầy đủ hồ sơ gửi sang Pháp xin phép và phải được sự đồng ý của các tổ chức này nhưng cho đến nay ông Hùng vẫn chưa làm”.
“Trường hợp nhạc sĩ chuyển ngữ ca khúc nhạc ngoại sang lời Việt mà không xin phép tác giả gốc, đương nhiên chưa có quyền tác giả của tác phẩm phái sinh” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.
“Tất cả tác phẩm nguyên gốc khi được chuyển ngữ đều có sự sai lệch về ngôn ngữ nên Luật Bản quyền quốc tế yêu cầu người viết tác phẩm phái sinh phải gửi bản dịch ca từ cùng với bản thu âm tới tác giả gốc hoặc tổ chức đại diện cho tác giả để xin phép và phải được sự cho phép chính thức bằng văn bản của tác giả hoặc tổ chức đại diện cho tác giả đó mới tiến hành sản xuất các ấn phẩm” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn giải thích thêm.
Lời cảnh tỉnh
Về phía ca sĩ Mỹ Tâm, sau khi vấp phải phản ứng gay gắt của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, cô đã nhanh chóng phối hợp với nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa viết lại phiên bản lời Việt mới của ca khúc gốc “Toi Jamais”. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn xác nhận ngày 17-2, trung tâm này đã nhận được hồ sơ của Mỹ Tâm và Châu Đăng Khoa về việc xin phép chuyển ngữ tác phẩm “Em thì không” và trung tâm đã gửi hồ sơ đến Tổ chức quốc tế Sacem và Publisher, đại diện quản lý tác phẩm “Toi Jamais” ở Pháp. Mới đây, trung tâm đã nhận được phản hồi từ tổ chức này, thông báo sẽ gửi hợp đồng sang để hai bên ký kết.
“Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Châu Đăng Khoa và Mỹ Tâm còn chưa ký xong hợp đồng, chưa thực sự nhận được giấy phép phê duyệt và phía Pháp còn chưa cho biết mức độ tiền bản quyền cần chi trả đã vội vàng ra mắt MV (video ca nhạc) mới” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.
Ông Đinh Trung Cẩn cũng cảnh báo rằng: “Nếu phía Pháp biết được thông tin MV “Em thì không” đã ra mắt khi chưa nhận được sự phê duyệt của họ, chưa ký hợp đồng sử dụng, họ có thể thay đổi ý định, không cho phép sử dụng nữa. Hành xử thế nào hoàn toàn là quyền của các tác giả gốc. Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng tới các tác giả tự động chuyển ngữ mà không có sự cho phép chính thức của tác giả tác phẩm gốc. Đặc biệt là các ca khúc được sáng tác sau thời gian Việt Nam tham gia Công ước Berne năm 2006”.
Trường hợp tác giả phái sinh không được bảo hộ tác quyền
Dưới góc độ pháp lý, trong trường hợp tác phẩm nhạc ngoại quốc lời Việt là một “tác phẩm phái sinh” từ tác phẩm gốc, theo quy định tại khoản 8, điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh phát sinh kể từ khi tác phẩm phái sinh được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Tuy nhiên, khoản 2, điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ, theo đó: “Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh”. Vì vậy, giả sử trường hợp có căn cứ cho rằng việc sáng tạo tác phẩm phái sinh của nhạc sĩ người Việt đã xâm phạm đến quyền tác giả của tác phẩm gốc thì mới có thể xem xét đến việc quyền tác giả của nhạc sĩ này đối với tác phẩm phái sinh không được bảo hộ. Và tất nhiên, khi quyền tác giả không được pháp luật bảo hộ thì không thể có căn cứ pháp lý để thực hiện các quyền nêu trên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam
Bình luận (0)