Khi dựng những vở diễn sân khấu, có các nhân vật phải hóa trang nhưng để tiết kiệm chi phí, bầu sô không thuê chuyên viên hóa trang thực hiện các gương mặt theo đúng yêu cầu của kịch bản. Chủ yếu diễn viên tự hóa trang bằng những phương tiện họ có nên dẫn đến nghề hóa trang bị mai một, nghệ nhân thất nghiệp.
Một gương mặt 20.000 đồng
Gặp nghệ nhân hóa trang Trường Quang đang ngồi bó gối ở đình Thái Hưng, ông buồn rầu nói: “Chưa năm nào như năm nay, đến hát chầu cũng không thèm kêu nhân viên hóa trang, năm ngoái vẽ mặt tuồng 30.000 đồng/người, năm nay bị kéo xuống 20.000 đồng. Tôi thấy nghề hóa trang bị xem thường nên không nhận lời đi làm nữa”.
Ở sân khấu phía Nam, nhắc đến nghệ thuật hóa trang cho sân khấu hát bội và cải lương tuồng cổ phải kể tới tài nghệ của nghệ nhân Trường Quang, bên cạnh đó là nghệ sĩ Bo Bo Hoàng. Lăn lộn với nghề từ năm 6 tuổi, đến nay gần 70 tuổi, nghệ nhân Trường Quang đã có nhiều đệ tử (Trường Lộc, Hồng Lân, Dương Thành Lâm, Trường Thành…) và nay họ cùng chung số phận như ông.
“Hóa trang mặt tuồng rất công phu, ngồi vẽ những chi tiết, họa tiết trên khuôn mặt có thể xem như một bức tranh nghệ thuật. Có nghệ sĩ tự làm nhưng đa số đều phải cần đến chúng tôi. Sân khấu đang xuống dốc, nghề hát bấp bênh, diễn viên còn ế sô nói chi đến nghệ nhân hóa trang như thầy trò chúng tôi. Thù lao hóa trang chỉ 20.000 đồng cho một gương mặt nhưng đôi lúc phải dậy thật sớm, đến tận khuya mới về. Hát chầu, hát miễu cũng chỉ vẽ được 4-5 gương mặt/ngày, nếu trả phí di chuyển, mua sắm đồ nghề, tiền cơm,… xem ra không còn gì để gọi là đủ sống” - chuyên viên hóa trang Thành Lâm cho biết.
Nghệ nhân Trường Lộc - người có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật hóa trang khi còn gắn bó với sàn diễn thời sân khấu hoàng kim - cho biết để sống được, anh phải chuyển sang làm công việc đài trưởng, phụ trách quản lý hậu đài và cảnh trí các vở diễn. Anh tâm sự: “Thù lao của nghề hóa trang thấp quá, khó sống được. Phải mua mỹ phẩm giá đắt để không làm hại da mặt nghệ sĩ, đến việc nghiên cứu cách thể hiện để gương mặt tuồng thật hoàn hảo nhưng người ta không xem đó là tác phẩm nghệ thuật”.
Bàn tay “phù thủy”
Trong các học trò của nghệ nhân Trường Quang, Dương Thành Lâm là người có khả năng hóa trang rất cừ, với đôi tay khéo léo, anh có thể biến một cô bé 17 tuổi thành cụ bà tuổi 80 dễ dàng. Hoặc vai diễn Chung Vô Diệm hóa thành mặt quỷ, anh thực hiện trong tích tắc với những đường vẽ tinh tế, đến cảnh cuối vở diễn, lại vẽ gương mặt Chung Vô Diệm phúc hậu, uy nghi.
Ở sân khấu cải lương tuồng cổ, có nghệ sĩ Công Minh, Chí Bảo, Thanh Sơn sống với nghề hóa trang từ bé. Xuất thân từ nhóm đồng ấu Minh Tơ, cả ba đã được nghệ nhân Minh Tơ rồi Khánh Hồng, Thanh Tòng dạy hóa trang. Nay cả ba chuyên lo hóa trang cho những vai kép tướng, lão độc, nhất là những vai nguyên soái có gương mặt khí phách, hiên ngang.
Hầu hết các sô truyền hình, phim cải lương tuồng cổ nào cần người vẽ cái thần của nhân vật đều phải nhờ đến thầy trò nghệ nhân Trường Quang và 3 nghệ sĩ này. Đội ngũ chuyên viên hóa trang có tay nghề vững của HTV như: Cảnh Giác, Kim Thoa, Bích Trâm… đã gắn bó với phim trường hơn 40 năm đều phải nể phục các nghệ nhân hóa trang hát bội và tuồng cổ vì hầu hết vở diễn, chương trình trên màn ảnh nhỏ khi có những vai diễn này đều cần đến bàn tay “phù thủy” của các ông.
“Giá trị của bàn tay khéo léo của chuyên viên hóa trang còn được tính bằng tiền công lao động sáng tạo. Có những gương mặt, những chiếc mặt nạ trị giá hàng chục triệu đồng cũng như đạo cụ, chất liệu để hình thành những vai diễn đòi hỏi tốn nhiều kinh phí. Tôi còn nhớ trong vở “Bao Công tra án anh em song sinh” trên sân khấu Đoàn Cải lương Minh Tơ thời trước, các nghệ sĩ phải thể hiện mỗi người 3 vai, để sàn diễn cùng lúc có tới 3 ông Bao Công, 3 Công Tôn Sách, 3 Triển Chiêu… Sự giống nhau chỉ có thể đạt được mức độ trung thực trừ khi đó là anh em sinh đôi, sinh ba nhưng ở đây qua bàn tay hóa trang của họ, mọi khó khăn đều được hóa giải” - nghệ sĩ Thanh Sơn kể.
Khó sống nhưng vẫn truyền nghề
Nhọc nhằn với nghề là vậy nhưng các nghệ nhân vẫn tiếp tục nghiên cứu sáng tạo cách vẽ, cách thể hiện và soạn thảo những giáo trình giảng dạy để truyền nghề lại cho thế hệ sau. Theo nghệ nhân Trường Quang, cái khó của hóa trang không chỉ trang điểm cho diễn viên mà điều quan trọng hơn là khắc họa được tính cách, bản chất và thần sắc nhân vật bằng những nét vẽ. Do đó, ông không ngừng học hỏi.
Đến nay, nghệ nhân Trường Quang đã có hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật hóa trang. Ông luôn canh cánh bên lòng làm sao truyền nghề một cách quy củ cho thế hệ diễn viên trẻ và những ai yêu thích nghệ thuật hóa trang.
Chuyên viên hóa trang Hồ Khanh - người đã thành công qua việc hóa trang cho nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng - bộc bạch: “Nghề hóa trang đang rất cần được nâng cao, bồi đắp kinh nghiệm. Thế nhưng, chúng tôi chưa có một chi hội để sinh hoạt. Hội Sân khấu TP HCM chưa nghĩ đến chúng tôi, chưa tạo điều kiện để anh em làm hóa trang, đạo cụ, may trang phục sân khấu sinh hoạt, giao lưu và truyền đạt kinh nghiệm”.
Băn khoăn này không chỉ của Hồ Khanh mà của nhiều nghệ sĩ quan tâm đến vận mệnh sân khấu. Hiện nay, với tình trạng mạnh ai nấy làm, có nơi diễn viên yêu cầu hóa trang cứ nhìn vào mặt diễn viên Hàn Quốc mà bắt chước. Do đó, vai Kiều Nguyệt Nga “bị” vẽ mắt nâu môi trầm, công chúa Ngọc Hân vẫn dùng tóc vàng, lông mi kim tuyến. Chưa kể đến trang phục, đạo cụ, quạt, kiếm… Tất cả đều được sử dụng một cách tùy tiện.
Trước những khó khăn của sân khấu cải lương, những bộ phận phục vụ cho diễn xuất của nghệ sĩ đã không được chỉnh đốn, trong đó có đội ngũ hóa trang. Sàn diễn không còn tính chuyên nghiệp khi thiếu đội ngũ chuyên viên giỏi này. Việc truyền nghề cũng gặp khó khăn vì chẳng mấy ai muốn theo học.
Bình luận (0)