Mới hôm nào tôi gọi điện thăm hỏi sức khỏe, anh nói đã tốt rồi. Như sợ tôi không tin, anh nhắn tin tiếp: “Rất khỏe!”. Tôi cũng vững tin, ừ thì dẫu sao còn có khoa học kỹ thuật tiên tiến của ngành y. Nhưng thật hụt hẫng, những tin, điện khẩn cấp về sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Nam cứ đến với tôi! Dù không tin, nhưng đó là sự thật, nhạc sĩ Nguyễn Nam đã đi về thế giới bên kia lúc 9 giờ 20 phút ngày 31-10-2011.
Nghiệt ngã, cay đắng, lẽ nào số phận lại hồn nhiên đến như thế! Nhạc sĩ Nguyễn Nam còn trẻ, thế mà…
Nhạc sĩ Nguyễn Nam, một trong những người góp công sức xây dựng nhiều chương trình ca nhạc tại Đài Truyền hình TPHCM (HTV), nơi anh công tác với chức danh Trưởng Ban Ca nhạc, Ủy viên Ban Biên tập HTV. Ấn tượng sâu sắc nhất là cuộc thi Tiếng hát Truyền hình, khởi đầu từ năm 1991 và kéo dài đến bây giờ, với tên gọi mới Ngôi sao Tiếng hát truyền hình. Đúng vào thời điểm đó, Báo Người Lao Động tổ chức cuộc bình chọn Văn nghệ sĩ được bạn đọc yêu thích nhất trong năm, tiền thân của Giải Mai Vàng. Thông qua nhạc sĩ Nguyễn Nam, Ban Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM đã nhiệt tình hỗ trợ truyền thông cho các hoạt động của giải thưởng này cho đến ngày hôm nay. Chúng tôi đã cùng chia sớt ngọt bùi, động viên lẫn nhau để phấn đấu xây dựng thêm những hoạt động nghệ thuật có chất lượng, phục vụ tốt hơn nữa đời sống văn hóa nghệ thuật của nhân dân TPHCM.
Trăn trở với âm nhạc, vất vả trong biển ca từ, qua thực tế và chiêm nghiệm, anh đã dành tặng cho cuộc đời và người yêu âm nhạc những ca khúc thắm thiết và lắng đọng: Tiếng hát và dòng sông, Dịu dàng sắc xuân, Xa rồi mùa đông…
Gương mặt anh khó đăm đăm nhưng nét đáng yêu, duyên dáng, tình tứ đã được nhạc sĩ Nguyễn Nam dành riêng cho những bản tình ca của anh. Con gái anh, cháu Hương Quỳnh, “méc” với tôi: “Bố con lúc nào cũng nhăn!”. Tôi nhẹ nhàng bảo: “Ngay trong nụ cười của bố Nguyễn Nam, chú vẫn thấy nó “nhăn” kia mà!”. Thế là cháu cười giòn tan.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ví von cuộc đời là “cõi tạm”, rồi một thời khắc nào đó, gần hay xa, mọi người đều có “một cõi đi về”. Sống lạc quan, dữ dội và tình cảm tha thiết là những cung bậc rung lên trong nhịp thở trái tim anh. Để từ đó, hạnh phúc, xót xa, tiếc nuối là những chiêm nghiệm quắt quay giữa đời thường của nhạc sĩ Nguyễn Nam.
Những giọt nước mắt rơi thay cho lời vĩnh biệt của những trái tim yêu mến nhạc sĩ Nguyễn Nam, của những nhạc sĩ, ca sĩ cùng thân hữu đã đồng hành với anh trong hơn 30 năm qua, chỉ với ước mơ làm đẹp đời sống ca nhạc TPHCM.
Nơi tẩm liệm anh là một căn nhà nhỏ ở quận 9 - TPHCM. Nhớ hôm nào anh đã rù rì với tôi về một ngày mai, sau khi về hưu, anh về chăm sóc một vườn hoa lá và sáng tác thêm những bản tình ca về cuộc đời, về tình yêu.
“Tạm biệt, tạm biệt mùa đông. Tạm biệt ánh lửa hồng. Xa rồi vòng tay ấm. Mùa đông sẽ đi qua. Rồi anh cũng đi xa…”.
Trong lòng tôi như vang lên giai điệu mượt mà của ca khúc Xa rồi mùa đông. Anh bỏ đi vội vàng quá chăng, khi hôm nay vẫn mới là mùa thu ngập nắng, gió. Mùa đông 2011 vẫn chưa về kia mà!
Còn nhớ một buổi chiều mùa đông, nhạc sĩ Nguyễn Nam “khoe” với tôi một sáng tác mới, anh nhờ tôi xem bài hát và góp ý. Anh đã gõ nhịp, hát, giọng hát mộc, âm sắc Huế cổ kính, tha thiết, bổng trầm… và tôi đã khóc! Một câu chuyện tình yêu của Xa rồi mùa đông, nhẹ như hơi thở, mỏng như giọt sương nhưng lay động lòng tôi. Và… anh em chúng tôi cùng khóc!
Anh đã đi vào giấc ngủ thiên thu, nhẹ nhàng, thanh thản. Khi tẩm liệm, nhìn gương mặt của anh, không còn những dấu “nhăn” nghĩ suy, dường như khóe miệng anh còn vương vấn một nụ cười chào người ở lại cõi trần gian, không còn vướng bận chuyện bon chen, toan tính, xảo trá giữa dòng đời – như anh nói với tôi: “Thôi, chuyện cũ qua rồi, chúng ta đừng nặng lòng!”.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Nam Nhạc sĩ Nguyễn Nam (tên thật là Phạm Văn Đồng) sinh ngày 25- 2-1953 tại Phú Vang, Thừa Thiên – Huế. Ông là một trong những sinh viên – nhạc sĩ tham gia tích cực phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe từ năm 1970, thời chống Mỹ cứu nước, với ca khúc Thư gửi người em gái Sài Gòn, Trên dòng sông lịch sử, Tổ quốc một sớm hòa bình... Sau ngày đất nước thống nhất, ông có quá trình gắn bó lâu dài với Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM và giữ chức vụ Trưởng Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM cho đến khi qua đời. Sự nghiệp sáng tác của ông sau năm 1975 có nhiều tác phẩm được đông đảo khán giả yêu thích: Xa rồi mùa đông, Còn mãi mùa đông, Dịu dàng sắc xuân, Dòng sông và tiếng hát, Tình ca cho em (thơ Phan Vũ), Người trễ hẹn mùa xuân (thơ Cao Quảng Văn), Bay cao tiếng hát ước mơ, Tuổi hồng cho em (thơ Trần Danh Lam), Khung trời đại học, Dòng sông hát, Hà Nội, tôi và em… Ông còn là tác giả của một số ca khúc nổi tiếng viết cho phim: Hát ca bềnh bồng, Hạnh phúc ở quanh đây trong các phim cùng tên… Nhạc sĩ Nguyễn Nam là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Âm nhạc TPHCM, nhiều năm gắn bó với Hội Âm nhạc TPHCM trong cương vị ủy viên ban chấp hành. Trước khi qua đời, ông là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM. Ông đoạt Giải Mai Vàng năm 1998 - Nhạc sĩ được yêu thích nhất do Báo Người Lao Động tổ chức. Vào lúc 20 giờ thứ tư, 2-11- 2011, sẽ diễn ra đêm chia tay nhạc sĩ Nguyễn Nam với sự tham gia của các nhạc sĩ, ca sĩ, bạn bè thân hữu ngay tại nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Nam, số L36 đường số 7, khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, quận 9 - TPHCM . T. Trang |
Bình luận (0)