Phim mở đầu bằng hình ảnh thành phố năng động, nhộn nhịp, giữa những tòa cao ốc sang trọng, lại lọt thỏm một chung cư cũ kỹ, tường bong tróc phai dấu thời gian. Chung cư đấy đang chờ giải tỏa để xây dựng một tòa cao ốc mới nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể đạt sự đồng thuận rời đi của một vài người cư ngụ lâu năm như bà Tư, ông Phát...
Để chứng tỏ thực lực của mình, đẩy nhanh tiến độ công việc giải tỏa, chàng trai trẻ tên Sơn quyết định nhận việc, đến chung cư thuyết phục những người không rời đi này. Thế nhưng, vừa bước đến chung cư, Sơn lại có cảm giác khác lạ, một ký ức không biết từ đâu và của ai ùa về, cuốn anh lạc bước trở lại những năm 1986, thời chung cư còn đông đúc người sinh hoạt, mưu sinh...
Phim là một câu chuyện buồn, nặng nề, đầy cảm xúc giữa những dằn vặt nội tâm của những người làm cha, làm mẹ. Nó ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, người mẹ luôn là điểm tựa cho con những lúc hoang mang, lạc lõng. Và dù cho có quyết định sai lầm trong quá trình bảo vệ con, người mẹ đó cũng đáng được thứ tha vì tình thương quá lớn. Bà Tư luôn muốn con trai duy nhất của mình là Nam sống trong hạnh phúc nhưng tai họa ập xuống, bà xử sự theo bản năng, giang đôi cánh "gà mẹ" ấp ủ con và tìm cách đưa nó đi khỏi nơi mà bà cảm nhận là nguy hiểm. Để rồi, khi không tìm lại được con, bà vẫn bền lòng chặt dạ chờ đợi, suốt 30 năm.
Dù hoàn cảnh không giống nhau nhưng ở nghĩa rộng, bà Tư là hình ảnh đại diện cho vô số người mẹ, vẫn bền lòng chờ những đứa con đi khắp phương trời mưu sinh. Đôi khi, vì cơm áo, nhịp sống hối hả chốn thị thành đã cuốn những người con này rời xa vòng tay mẹ. Họ không có ý nghĩ sống chậm lại, trở về quê và dùng với mẹ bữa cơm, nghe lại câu hò ru ngày nào.
"Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" nặng yếu tố duy tâm, nhiều tầng nghĩa, thuần về cảm xúc trong loạt phim đề cao giá trị nhân văn, thân phận con người vừa qua. Phim không có chi tiết hài hước để giảm bớt sức nặng như: "Dạ cổ hoài lang", "Lô tô" nhưng đảm bảo những day dứt, trăn trở, cái bi đủ sức tạo sự da diết cho người xem dù đã rời khỏi rạp. Đặc biệt, các đoạn về năm 1986, thời điểm cứ đến chiều mọi người lại tập trung ở nhà có tivi để xem cải lương, trẻ con đu bám cửa sổ, đàn ông uống rượu đàn ca, tạo xúc cảm kể cả những người chưa từng trải qua giai đoạn này.
Các diễn viên đều diễn xuất tốt, nhất là dàn bao kỳ cựu: Kim Xuân, Lê Bình, Kiều Oanh... Nhân vật ông Phát của diễn viên Lê Bình đầy ám ảnh nhưng được thể hiện trọn vẹn. Vai ông Phát đôi lúc còn nặng hơn cả bà Tư vì cảm xúc của ông là sự dằn vặt trong thù hận, đấu tranh loay hoay ranh giới thiện và ác.
Phim cũng có những hạt sạn như bao phim Việt khác với một số đoạn dài dòng mà nếu cắt ngắn sẽ thúc đẩy cao trào cảm xúc hơn, một số đoạn cần đẩy mạnh lại thiếu. Ca khúc cảm xúc trong phim nếu được tận dụng tốt sẽ đạt hiệu quả hơn là chỉ lướt qua ở một số điểm. Nhưng dẫu sao, đây vẫn là bộ phim cảm xúc và nghệ sĩ Kim Xuân khẳng định vai bà Tư là một vai diễn người mẹ ưng ý nhất của chị trong 10 năm qua.
Nếu là bà Tư, tôi cũng hành động vậy!
Trong buổi chiếu ra mắt phim, khi được hỏi nếu như ngoài đời, gặp cảnh ngộ tương tự bà Tư, nghệ sĩ Kim Xuân sẽ xử lý thế nào? Nữ nghệ sĩ này cho biết: "Nếu là bà Tư, ở giai đoạn 1986, khi người phụ nữ chỉ biết ở nhà chăm chồng, dạy con, kiến thức và tầm hiểu biết không cao, tôi cũng hành động bản năng như vậy. Tôi không thể làm khác bà Tư nên sẽ bảo vệ bà. Dù rằng đúng, sai để người xem phán xét nhưng là một người mẹ, trong hoàn cảnh quyết định chớp nhoáng để bảo toàn con mình, bà Tư hành động đúng".
Bình luận (0)