Nuôi hoài bão xây dựng một nhà hát múa rối nước hiện đại tại TPHCM, Công ty TNHH Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương TPHCM và Cung Văn hóa Lao động (VHLĐ) TPHCM đã chính thức khởi công xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng (55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 - TPHCM) từ đầu tháng 8 này.
Một không gian rối nước đúng chất Bắc Bộ
Từ những khao khát tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà hát rối nước, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn đã nhận được sự giúp đỡ của Cung VHLĐ TPHCM nhằm xây dựng mô hình sân khấu rối nước phục vụ con em công nhân lao động và du khách đến tham quan TPHCM. Với số vốn đầu tư 700 triệu đồng cho sân khấu thủy đình, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng đã được xây dựng tại sân khấu Tao Đàn.
Một bể nước được đào sâu ngay sân khấu, khán phòng được thiết kế lại hệ thống âm thanh, ánh sáng, hệ thống kỹ xảo và sàn gỗ để dàn nhạc cụ dân tộc biểu diễn phục vụ trực tiếp cho diễn xuất của các “diễn viên rối nước”. Mặt sàn sân khấu có thể lấp lại bằng hệ thống di chuyển tự động, nhằm lấp kín mặt hồ để phục vụ cho việc biểu diễn của các loại hình nghệ thuật khác khi cần thiết. Một không gian rối nước đúng chất Bắc Bộ đã được xây dựng tại sân khấu Tao Đàn.
Ban Giám đốc Cung VHLĐ TPHCM đã hỗ trợ tích cực để Công ty TNHH Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương sớm đưa Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng vào hoạt động. Từ ngày 10-8, sân khấu múa rối nước này sẽ chào đón khán giả với mỗi ngày hai suất diễn: 18 giờ 30 và 20 giờ. Các suất diễn ban ngày sẽ tùy theo hợp đồng của các đoàn du khách, các công ty du lịch lữ hành đến TPHCM. Giá 4 USD/vé dành cho du khách nước ngoài và 25.000 đồng/vé cho khán giả trong nước. Ông Huỳnh Anh Tuấn tin chắc đây sẽ là điểm hẹn của đông đảo khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Chiến lược xây dựng thương hiệu rối Rồng Vàng
Không dừng lại ở đó, múa rối nước với thương hiệu Rồng Vàng đã được triển khai tại 10 điểm diễn trong năm 2007. Ngoài 4 điểm diễn tại quận 8, Nhà Bè, Củ Chi, Gò Vấp, chiến lược xây dựng thương hiệu này là phối hợp với các nhà thiếu nhi các tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Bình Thuận... đưa các chương trình, vở diễn mang tính truyền thống phục vụ khán giả thiếu nhi.
Hiện nay, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng đã đầu tư kỹ lưỡng cho bốn chương trình múa rối nước. Chủ yếu là các vở diễn dựa theo truyền thuyết dân gian Việt Nam và lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bên cạnh đó rối nước sẽ kết hợp với rối mặt nạ và rối cạn nhằm mang lại hiệu quả sáng tạo nghệ thuật, chuẩn bị cho kế hoạch lưu diễn của nhà hát.
Tại tỉnh An Giang, từ đầu mùa hè 2007 đến nay, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng đã chuyển giao công nghệ cho Nhà Thiếu nhi An Giang, phục vụ mỗi tháng hơn 5.000 khán giả (6 suất - giá 5.000 đồng/vé). Vào cuối tuần của thời điểm này, Nhà Thiếu nhi An Giang đã triển khai phục vụ thiếu nhi hai huyện Tri Tôn và Thoại Sơn. Với phương thức chuyển giao công nghệ, múa rối nước Rồng Vàng còn giúp các địa phương đào tạo diễn viên, tổ chức dàn dựng, hướng dẫn viết kịch bản và tạo hình con rối. Cái được lớn nhất của thương hiệu Rồng Vàng là đã nhân rộng mô hình múa rối nước theo cách của mình ở các tỉnh, thành phía Nam”.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Đây là hướng đi để Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng phát triển. Ngoài việc phục vụ nhu cầu của khán giả trong nước, du khách nước ngoài đến tham quan TPHCM có điều kiện thưởng thức vẻ đẹp nghệ thuật dân gian của rối nước, một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam. Âm nhạc trong các vở diễn, vì thế phải sử dụng nhạc cụ dân tộc sống: tranh, sáo, bầu, tiêu... Lời bình từng tiết mục được dịch song ngữ để du khách hiểu rõ hơn. Đích đến của nhà hát là xây dựng nhiều chương trình rối nước dân gian kết hợp với hiện đại để mỗi khi đến với chúng tôi khán giả luôn nhớ đến cái tên Rồng Vàng”.
Sân khấu rối nước lưu động ăn nên làm ra
Trong khi chờ đợi “mối lương duyên” để có được mặt bằng xây dựng nhà hát múa rối, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương (Sân khấu Kịch IDECAF) đã nghĩ ra sáng kiến xây dựng sân khấu rối nước di động. Ông đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để xây dựng 2 sân khấu thủy đình... di động. Với tính năng động trong tổ chức, sân khấu rối nước của công ty đã hình thành bốn đội nhóm biểu diễn lưu động với 25 diễn viên. Đạo diễn trẻ Châu Hùng Lâm đã được mời dàn dựng chương trình, gồm 19 trò lẻ cho múa rối nước, tạo sự hấp dẫn cho loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Các diễn viên trẻ đã tự tin gắn bó với múa rối nước với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng họ diễn được 20 suất và cùng với đội rối cạn thường xuyên lưu diễn phục vụ khán giả từ Bắc chí Nam. Trong tháng 7 các đội rối nước di động đã lưu diễn tại các địa phương: An Giang, Huế, Đắk Lắk... Ngay thời điểm này, 15 diễn viên rối nước đang lưu diễn tại TP Đà Nẵng. Chỉ tiêu biểu diễn trong một năm của họ là 150 suất diễn, phục vụ trên 200.000 lượt khán giả trong nước và du khách nước ngoài. |
Bình luận (0)