Phóng viên: Là dịch giả đã góp phần cho Hỏa ngục trở thành cuốn sách ăn khách nhất tại Việt Nam trong năm nay! Vì sao anh chọn dịch Hỏa ngục mà không phải tác phẩm khác của Dan Brown?
- Dịch giả Xuân Hồng: Lý do chính để đồng ý nhận dịch Hỏa ngục vì tôi luôn yêu thích công việc dịch thuật, đặc biệt đối với những cuốn sách nhiều thử thách như các tác phẩm của Dan Brown. Tác phẩm nào của Dan Brown cũng tràn ngập những thông tin cực kỳ phong phú về văn hóa, tôn giáo, khoa học, biểu tượng… mà việc chuyển dịch ra tiếng Việt thật sự không dễ dàng.
Bên cạnh đó, còn có những thủ pháp nghệ thuật, biện pháp tu từ mà tác giả sử dụng trong tác phẩm của mình luôn đòi hỏi dịch giả phải cân nhắc, thận trọng trong quá trình chuyển ngữ. Tất cả những thách thức đó luôn hấp dẫn bởi tôi hiểu rõ rằng việc xử lý thành công một tác phẩm khó sẽ giúp mình trưởng thành rất nhiều trong nghề, cả về kiến thức đối với những lĩnh vực mà tác phẩm đề cập, ngôn ngữ cũng như làm giàu thêm kinh nghiệm đối với công việc dịch thuật mà mình theo đuổi. Thêm một khía cạnh nữa là sách hot không chỉ mang tính giải trí mà trong đó hàm chứa nhiều kiến thức nên khi có nhiều người tìm đọc thì chắc chắn làm lan tỏa được văn hóa đọc trong cộng đồng.
Anh vẫn tin độc giả thực sự sẽ say mê đọc nó trong thời buổi có nhiều phương tiện giải trí khác?
- Tôi nghĩ rằng với những người yêu thích sách, yêu thích Dan Brown và các tác phẩm của ông thì Hỏa ngục chắc chắn sẽ là lựa chọn của họ trong số các tựa sách xuất bản năm nay. Mới phát hành tôi đã thấy có nhiều độc giả không chỉ đọc hết mà còn đọc rất kỹ để góp ý với tôi về những chi tiết có thể chỉnh sửa cho bản dịch thêm hoàn hảo.
Dưới góc nhìn của một người trong nghề, anh thấy những năm gần đây, nhu cầu và thói quen đọc sách của người Việt như thế nào?
- Theo quan sát của tôi, nhu cầu và thói quen đọc sách của người Việt không hề giảm sút mà còn tăng mạnh mẽ. Điểm đáng chú ý là bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu đọc của mình, độc giả hiện nay còn có yêu cầu rất cao đối với chất lượng tác phẩm mình chọn, đặc biệt là các tác phẩm dịch. Độc giả mong muốn và đòi hỏi phải được tiếp cận với những tác phẩm dịch chính xác và hay. Đó là điều rất đáng mừng! Ngoài ra, nhờ sự phát triển của công nghệ đa phương tiện, bên cạnh những bản sách in truyền thống, độc giả cũng đang dần quen với một hình thức sách mới - sách điện tử (ebook).
Anh có cổ vũ cho sách điện tử và cho rằng nó sẽ “giết chết” sách in?
- Cá nhân tôi luôn đón nhận những cái mới, trong đó có sách điện tử. Cuộc sống hiện đại rõ ràng ngày càng gấp gáp, vội vã hơn nên quỹ thời gian dành cho những thú vui như đi mua sách, đọc sách, ghi chép cảm nhận của cá nhân về những cuốn sách vừa đọc ngày càng ít đi. Vì vậy, thật tiện lợi khi có thể phần nào thỏa mãn được sở thích đó chỉ với một chiếc smartphone hay iPad nhỏ gọn đã có cài đặt các phần mềm đọc sách hoặc có thể truy cập vào internet.
Tuy nhiên, tôi tin rằng sách điện tử không thể “giết chết” sách in bởi một bản sách điện tử rất khác với một bản sách in có cùng nội dung, đặc biệt là về mặt công năng và khả năng thỏa mãn những sở thích của người đọc.
Để tạo thói quen đọc của công chúng nên phải làm những gì?
- Tôi nghĩ muốn tạo thành thói quen, nhất là thói quen đọc sách, với chỉ một, hai giải pháp thì khó có thể thực hiện được mà cần nhiều giải pháp kết hợp với nhau. Bên cạnh đó, cần tiến hành thường xuyên, đều đặn chứ không làm để tuyên truyền, báo cáo thành tích. Đọc sách là một thói quen và sở thích của cá nhân nhưng nó hoàn toàn có thể lan tỏa từ một cá nhân ra cả gia đình, từ một gia đình ra cả một dòng họ và rộng hơn nữa..., một khi sở thích ấy trở thành nhu cầu và cao hơn nữa...
Bình luận (0)