Vong bướm lấy cảm hứng từ cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính (1917-1966) cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác. Đọc sách, không thể không nhớ đến loạt nhân vật văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn và những nhân vật chỉ có tên chung là thi sĩ, nhà thơ.
Các nhà thơ mang khát vọng lớn lao đi tìm sự tỉnh thức, nhưng để đạt được khát vọng ấy, họ buộc phải nhúng mình xuống bùn và bi kịch thê thảm là ở đó: Muốn đến với sự thanh cao thì phải dầm mình trong cái dung tục nhưng một khi đã dung tục rồi thì không thể với tới cái thanh cao tuyệt đối. Lớp lớp những xác bướm, vong bướm đã chất trên con đường đi tới cái đẹp.
Truyền thuyết tìm vua được viết trên cảm hứng về cuộc đời Chúa Chổm, một nhân vật đặc biệt ở trong lịch sử. Nguyễn Huy Thiệp mượn chuyện lịch sử để nói chuyện đời, để nói về cuộc tìm kiếm đạo – đường sống của con người nói chung, bất kể đạo ấy là một ông vua hay không phải ông vua.
Không vua, không đạo sẽ loạn, có vua, có đạo, thiên hạ sẽ thái bình, con người có thể yên tâm mà sống. Điều này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp: Cái gia đình vô đạo của lão Kiền ô trọc đến rợn người, chỉ khi một người phụ nữ - người mẹ xuất hiện và một đứa trẻ ra đời, như một biểu tượng của tự nhiên, của đạo thì cái ô trọc ấy mới được giải tỏa.
Truyền thuyết tìm vua cũng thể hiện nhiều tư tưởng của đạo giáo, đặc biệt là tư tưởng sống vô vi, không đua tranh, không so bì. Chương Chổm dạo chơi với các ông Sinh, Lão, Bệnh, Tử hay những bài hát của dàn đồng ca mang nhiều ngụ ý về thân phận con người: Cuộc đời ngắn ngủi mà con người phải trôi dạt kiếm ăn, tranh chấp hơn thua, chịu thiên tai địch họa, rốt cục cũng chỉ còn nắm xương tàn, vậy sống khổ sở chẳng vô nghĩa hay sao? Bởi thế mẹ Chổm, vừa choáng ngợp với thân phận đế vương của con trai đã ngay lập tức hối hận, bởi vì Đã vào đến chốn công danh/ Không thành ra bã cũng thành ra khuôn!
Bình luận (0)