xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Săn giải thưởng ảnh quốc tế: Danh và lợi

Ngọc Lê

Ngoài giá trị giải thưởng, theo các nhiếp ảnh gia đây còn là cơ hội bắt kịp xu thế phát triển của nhiếp ảnh thế giới

Nhiều nhiếp ảnh gia (NAG) Việt Nam đang gặt hái thành công ở các cuộc thi ảnh quốc tế, có uy tín và càng nhiều người có giải thì tạo thêm nguồn cảm hứng để các tay máy hăng say đi săn ảnh. Bằng cách tham gia sân chơi nhiếp ảnh quốc tế, NAG trong nước cho rằng họ sẽ dần bắt kịp xu thế phát triển của nhiếp ảnh toàn cầu.

Biết mình đang ở đâu

Nguyễn Tân là nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam duy nhất lên nhận giải thưởng tại Nhiếp ảnh Quốc tế Hamdan Bin Mohammed Bin Rashid Al Maktoum (HIPA) diễn ra vào tháng 3-2015. Với bức ảnh mô tả lưu thông xe cộ ở Việt Nam vào giờ cao điểm, Nguyễn Tân đoạt giải ba hạng mục ảnh đêm, giá trị giải thưởng là 10.000 USD. Tính ra, anh nằm trong số 2 NSNA Việt Nam hiện đoạt giải thưởng của HIPA (trước đó là NSNA Lê Duy Hoàng đoạt giải ba thể loại trắng đen năm 2013). “Thật ra tôi quá may mắn với giải này. Tôi có nhiều kế hoạch tham dự các giải uy tín của thế giới, cũng hy vọng vào được vòng triển lãm thôi. Mục tiêu là ảnh của mình sánh vai cùng các cường quốc nhiếp ảnh như Mỹ, Trung Quốc” - NSNA Nguyễn Tân chia sẻ.

Ảnh đoạt giải ba HIPA thể loại ảnh ban đêm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tân
Ảnh đoạt giải ba HIPA thể loại ảnh ban đêm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tân

NAG Phạm Tỵ lúc này đang chuẩn bị hành lý để lên đường sang London nhận giải thưởng của cuộc thi Sony World Photography. Phạm Tỵ đoạt giải nhất quốc gia với bức ảnh 2 người phụ nữ ngồi may lưới ở một làng chài tại vịnh Vĩnh Hy - Bình Thuận. Bức ảnh này cũng vừa được tạp chí Smithsonian, đơn vị tổ chức giải ảnh quốc tế Smithsonian Annual Photo Contest trao tặng tiền thưởng 2.500 USD cho giải thưởng Grand prize. Mục tiêu của NAG Phạm Tỵ là thắng nhiều giải thưởng nhiếp ảnh uy tín trên thế giới như HIPA, Sony World Photography hay National Geographic photo. Anh quan niệm: “Người chơi ảnh bao giờ cũng mong đi thi có giải để bù đắp phần nào công sức họ bỏ ra đầu tư, thứ hai là danh tiếng và thứ ba là biết mình đang ở đâu trong thế giới nhiếp ảnh này”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tân nhận giải thưởng của Ban Tổ chức HIPA tại TP Dubai. (Ảnh do nhiếp ảnh gia cung cấp)
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tân nhận giải thưởng của Ban Tổ chức HIPA tại TP Dubai. (Ảnh do nhiếp ảnh gia cung cấp)

 

Việc săn giải thưởng đòi hỏi NAG có chiến lược và kế hoạch. NSNA Nguyễn Tân cho biết khi tham dự các cuộc thi ảnh quốc tế, anh nghiên cứu những tấm ảnh đoạt giải thưởng của các năm trước đó để biết “gu” của ban giám khảo.

Có NAG đặt cho mình mục tiêu chỉ cần đoạt giải nhiếp ảnh của HIPA là đã mãn nguyện. Trị giá giải thưởng này thường cao khiến cuộc cạnh tranh càng gay gắt, ban tổ chức sẽ thuê đội ngũ giám khảo tài năng để tuyển chọn những bức ảnh xuất sắc nhất. Tính chuyên nghiệp của cuộc thi vì thế hấp dẫn nhiều NAG.

Tiền và danh

Không thể phủ nhận việc NAG có tác phẩm đoạt giải quốc tế sẽ đem lại vật chất và danh tiếng cho họ. “Tiền thưởng cao, từ vài ngànn đến cả trăm ngàn USD, thậm chí được tặng máy ảnh “xịn” của thương hiệu tài trợ cho cuộc thi nên NAG nào nói không mê là khó tin” - một NAG bộc bạch.

Tuy nhiên, có những cuộc thi ảnh chỉ có huy chương, không có tiền thưởng nhưng vẫn được săn bởi nó mang lại danh tiếng. Như giải thưởng nhiếp ảnh của FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế), Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA), Asahi Shimbun (nhật báo Nhật Bản). Tham dự những cuộc thi ảnh quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì khi đạt huy chương, NSNA đó sẽ được tặng điểm, điểm cao sẽ được phong tước hiệu, ví dụ như cuộc thi FIAP có các tước hiệu: A.FIAP, E.FIAP, M.FIAP. Thành tích này được báo cáo lên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, sẽ được thêm bằng khen trong nước và được kết nạp làm thành viên của FIAP.

Những cuộc thi này hấp dẫn NAG là thành viên của các hội nhiếp ảnh trong nước hay người cầm máy ảnh muốn được trở thành thành viên của các hội nhiếp ảnh. Riêng những NAG trẻ hiện nay có xu hướng dự các cuộc thi danh tiếng, chuyên nghiệp. Vì vậy, để có những bức ảnh đẹp, độc đáo đem thi thố với thế giới, các NAG thực hiện những tác phẩm tâm đắc nhất dành riêng cho các cuộc thi này.

“Đi một ngày đàng…”

Tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế còn đem lại nhiều cơ hội giao lưu và học hỏi giữa NAG Việt Nam và NAG các quốc gia có nền nhiếp ảnh phát triển vì những NAG ở các nước phát triển được đào tạo bài bản về kỹ thuật và mỹ thuật, có trường lớp chuyên biệt. Bằng cách tham gia sân chơi nhiếp ảnh quốc tế, NAG trong nước sẽ dần bắt kịp xu thế phát triển của nhiếp ảnh toàn cầu.

“Ở trong nước chủ yếu là người đi trước truyền dạy cho người đi sau, việc chấm ảnh còn dựa trên cái đẹp từ nghệ thuật hội họa, trong khi đó, nghệ thuật nhiếp ảnh bao gồm cả khoảnh khắc và sự sáng tạo” - NAG Trương Quang Minh,  hội viên CLB Nhiếp ảnh Kiến trúc sư TP HCM, chia sẻ.

Sự khác biệt so với trong nước còn ở tiêu chí chấm thi của giám khảo nước ngoài. Đó là các giám khảo quốc tế chấm ảnh dựa trên 2 tiêu chí: ảnh phản ánh thực tế đời sống, ít dàn dựng và phi chính trị. Vì vậy, những ảnh có khi đoạt giải cao trong nước nhưng đem gửi nước ngoài bị loại ngay từ đầu. Ngược lại, ảnh bị loại ở các cuộc thi ảnh trong nước lại đoạt giải ở các cuộc thi quốc tế. “Ảnh quốc tế nhìn thẳng vào các vấn đề thuần túy nghệ thuật, đó là sự khác biệt với quan niệm chấm thi ảnh ở các cuộc thi trong nước” - NSNA Võ Phi Long nói.

Sức hấp dẫn ở các cuộc thi quốc tế còn là tính khách quan trong chấm thi của ban giám khảo. “Mỗi giám khảo ngồi riêng biệt, không giám khảo nào có thể nhìn được điểm chấm thi của người khác, họ không quan tâm người thi là ai, với lại chúng tôi chẳng ai biết tên các thành viên ban giám khảo nên khó có việc “gửi gắm” lắm!” - NAG M.T thổ lộ.

Kỳ tới: Đừng coi đó là lý tưởng

“Top 10” nhiếp ảnh thế giới

Theo số liệu từ Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam (VAPA), tính đến thời điểm này, Việt Nam đã đoạt trên 2.000 giải thưởng ảnh quốc tế; gần 200 NSNA của VAPA được phong nhiều tước hiệu: Master FIAP, Hon E.FIAP, E.FIAP/s, E.FIAP/b, E.FIAP, A.FIAP…

Từ năm 2012 đến nay, qua thống kê, xếp hạng hằng năm của PSA, nhiếp ảnh Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 thế giới. Việc đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế của các NAG là điều đáng mừng song những giải thưởng có được phần nhiều từ các cuộc thi là của những hội nhiếp ảnh nghiệp dư. Vì thế, không thể cho rằng với những tấm huy chương này, nhiếp ảnh Việt Nam đã sánh vai các cường quốc nhiếp ảnh thế giới.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo