xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sân khấu kịch 2015: Vẫn bài toán thừa và thiếu

Cát Vũ

Thừa điểm diễn, thừa người làm nghề; thiếu người tài, giỏi chuyên môn, kịch bản hay dẫn đến thiếu vở diễn hay

Năm 2014 được xem là năm “nở nồi” của sân khấu kịch TP HCM. Ngoài những “đại gia” đã định danh như kịch IDECAF, kịch Hồng Vân, kịch Hoàng Thái Thanh, kịch Sài Gòn, kịch 5B, kịch Nụ cười mới, kịch Thế giới trẻ…, thời gian gần đây còn có thêm kịch Tâm Ngọc, kịch Sao Minh Béo, kịch Nam Quang, kịch Lê Hay và gần một chục điểm cà phê kịch như Bệt, Minh Vân, KC… Nhưng sự tăng trưởng về điểm diễn này không làm sáng sủa hơn diện mạo của làng kịch TP HCM.

Món chủ đạo vẫn là hài và ma

Nhìn lại sân khấu TP HCM năm qua, không có vở diễn nào đủ “lớn” để người ta phải “ngước nhìn”. Nơi có số lượng khán giả ổn định hàng đầu là Sân khấu IDECAF thì “đình đám” nhất vẫn là các vở kịch dành cho thiếu nhi trong chương trình Ngày xửa, ngày xưa với mô-típ gần như định hình là màu sắc rực rỡ, xung đột vui nhộn, ơn trả ác báo… Còn kịch dành cho “người lớn”, cứ phải làm lại các vở diễn cũ, có vở thọ cả chục tuổi, vì lý do vẫn ăn khách một phần nhưng phần khác là không tìm đâu ra kịch bản mới hay. Khán giả “ruột” của sân khấu này vẫn tiếc, giá như được thưởng thức nhiều hơn nữa những vở kịch đi vào chiều sâu tâm lý mà với sự thể hiện sắc sảo, biến hóa khôn lường của hai ngôi sao lớn (Thành Lộc và Hữu Châu) sẽ làm nên những tác phẩm sân khấu có dấu ấn mạnh mẽ, như vở kịch đang “cháy vé” Dạ cổ hoài lang vừa ra mắt.

Cảnh vở Gương mặt kẻ khác diễn tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM Ảnh: THANH HIỆP
Cảnh vở Gương mặt kẻ khác diễn tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM Ảnh: THANH HIỆP

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn là kẻ độc hành trung thành với dòng kịch tâm lý xã hội, vốn đã kén người xem, nay càng khó khăn hơn khi phải dời về điểm diễn mới. Và có lẽ trước mắt, Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng khó có thể làm gì khác hơn là cầm cự, xoay xở với những gì đang có.

Hầu hết những sân khấu lớn nhỏ còn lại đều đặt sự sống còn của mình trên hai yếu tố cơ bản là hài và ma. Một thương hiệu lớn như sân khấu Hồng Vân, ngoài món “đặc sản” không đụng hàng là kịch Bắc, được diễn lai rai vì bị động diễn viên, điểm diễn Superbowl là bản doanh của kịch ma vì ở đây “không ma không bán được vé” như lời bà bầu này thú nhận. Thể loại hài gần như là thực đơn chính mà nhiều sân khấu ở TP HCM dùng để chiêu đãi người xem. Không kể việc vài chi tiết hài cần thiết được đưa vào như một cách làm “mềm” vở diễn ở các sân khấu chính kịch, những sân khấu như Nụ cười mới, kịch Sài Gòn, Nam Quang… gần như làm ngược lại, xem nội dung chỉ là cái cớ để các diễn viên tấu hài. Khán giả thường đến đây để cười với những trò giễu của những tên tuổi hài mình yêu thích hơn là để thưởng thức một vở kịch đúng nghĩa. Xu hướng kịch ma, kịch hài với thực trạng nặng hình thức mà nhẹ nội dung như vừa qua hẳn còn tiếp tục sống khỏe một khi thị hiếu khán giả vẫn ở mức… đến sân khấu chỉ cốt mua vui là chính.

Cái thừa của sân khấu TP HCM là thừa điểm diễn, thừa người làm nghề; còn cái thiếu là thiếu người tài, giỏi về chuyên môn, thiếu kịch bản hay dẫn đến thiếu vở diễn hay.

Le lói những ngọn lửa mới

Ngọn lửa ấy đã bắt đầu nhen nhóm từ năm 2013 và sáng rõ hơn trong năm 2014. Đó là sự xuất hiện của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đầy tâm huyết trong các nhóm như Buffalo, Red Stage… muốn kéo giới trẻ đến với sân khấu bằng những sản phẩm có giá trị về nội dung và có sức hấp dẫn về hình thức.

Nhóm Buffalo (Nguyễn Khắc Duy, Hoàng Quân, Diễm Phương, Khải Thư…) với những vở nhạc kịch Chicago, Tuyết đỏ, Vũ nữ, Tuyết Sài Gòn… và Red Stage (Tùng Phi, Tiến Đạt, Lân Nhã Idol…) mới ra ràng với vở Tình ca phố đã đem lại cho sân khấu TP HCM món ăn mới, đó là nhạc kịch. Với cách thể hiện vừa diễn vừa nhảy vừa hát… thậm chí đem cả một ban nhạc lên sân khấu, các nghệ sĩ trẻ rất xứng đáng được ủng hộ bởi họ đã dũng cảm khi dám khai phá con đường riêng, một kiểu “mở đường máu” để đem cái thiện - mỹ của nghệ thuật sân khấu đến với khán giả cùng trang lứa.

Mặc dù những vở diễn của họ còn nhiều điều cần bổ sung để đạt đến sự hoàn thiện song xem họ tập, diễn với nhiều sự sáng tạo và đầy đam mê nhọc nhằn, phần thưởng vật chất dành cho họ không bao nhiêu mà chỉ là sự đồng cảm của khán giả mới thấy quý tấm lòng của họ đối với sân khấu. Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B vẫn là cái nôi gượng đỡ cho những người trẻ làm sân khấu có tâm huyết, như đang dang tay “ôm” lấy nhóm Buffalo và Red Stage. Chắc chắn những người trẻ này sẽ có nhiều bước đi lạ hơn nữa trong năm mới.

Có tâm nhưng thiếu lực

Việc tăng nhanh các điểm diễn tại TP HCM dễ khiến người ta ngộ nhận về sự phát triển của sân khấu TP HCM. Nhưng kỳ thực, đó là dấu hiệu của sự khủng hoảng thừa về mặt nhân lực. Mỗi năm, một thế hệ diễn viên mới được thả vào đời, tìm kiếm môi trường làm nghề. Không thể hoặc không muốn chen chân vào chỗ có sẵn thương hiệu, đòi hỏi sự cạnh tranh cao, những diễn viên trẻ đã cùng nhau lập sàn diễn riêng để có cơ hội tự khẳng định mình. Nhưng sân khấu chuyên nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo đỉnh cao và đồng bộ của một tổng thể nhiều bộ môn nghệ thuật phối hợp. Vì vậy, những nỗ lực của đội ngũ những người trẻ, tuy có tâm nhưng thiếu lực, đã vô hình trung kéo sân khấu ngược về với chất nghiệp dư.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo