11 vở diễn của những đạo diễn trẻ vừa ra mắt khán giả tại Nhà hát Thế Giới Trẻ và Nhà hát Kịch TP HCM, gây ấn tượng đối với người xem và giới chuyên môn. Là lứa học trò cuối cùng của cố đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá, 11 đạo diễn này vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM (khóa Đạo diễn sân khấu). Với thủ pháp dàn dựng sinh động, nhiều sáng tạo, thế hệ đạo diễn trẻ này mang lại sự kỳ vọng cho sân khấu trong tương lai.
Đối thoại và phản biện
Vở "Gia Vũ Yên Đăng" của đạo diễn Hứa Hoàng Mẫn, diễn tại Nhà hát Kịch Thế giới Trẻ, khiến nhiều nhà chuyên môn đã khen ngợi vì lối dàn dựng mang tính đối thoại và phản biện sinh động. Tương tự, các vở "Hạc chiều" của đạo diễn Huệ Châu, "Lôi Vũ" (đạo diễn: Trần Hồng Thơ), "Chân mệnh" (đạo diễn: Nguyễn Thanh Bình)... cũng tạo sự hứng khởi cho người trong giới. Nhiều cách xử lý, vận dụng thủ pháp trong sáng tạo nghệ thuật của những đạo diễn này đã làm cho sân khấu còn nhiều thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật trở nên phong phú, sinh động hơn.
PGS-TS Trần Yến Chi nhận định: "Có nhiều sự tìm tòi của những đạo diễn trẻ làm chúng tôi bất ngờ. Họ đã phả vào sân khấu lâu nay vốn khô khan vì thiếu nhiều phương tiện kỹ thuật một làn gió tươi mát, trong lành bằng xử lý sáng tạo, mới mẻ. Cách thể hiện của họ vừa lạ vừa tôn vinh được bản sắc dân tộc và có nhiều cái mới dành cho người xem... mà trên hết là tính đối thoại, phản biện với cuộc sống, điều lâu nay do cứ chạy theo thị hiếu của công chúng, nhiều sàn diễn giải trí đã không khai thác yếu tố quan trọng này".
Cảnh trong vở “Chân mệnh” của đạo diễn Nguyễn Thanh Bình
Thành công lớn nhất của các đạo diễn trẻ chính là tính luận đề được đặt vào vị trí cốt lõi, thu hút được sự quan tâm của khán giả khi nhắm thẳng đến mục tiêu: người xem cần gì ở tác phẩm của mình và những cảm thụ từ nhân vật, sức sống của vở diễn tác động gì đến cuộc sống người xem.
Vở "Chân mệnh" của đạo diễn Nguyễn Thanh Bình mang đậm dấu ấn thời đại nhìn về lịch sử và phán xét theo góc độ của con người hôm nay. Giữa công và tội của Nguyễn Ánh, của sự tương tàn trong gia tộc anh em nhà Tây Sơn, giữa cái ác của Nguyễn Ánh và cái ác của cuộc chiến đối với nhân dân nhưng lại được đặt vào vị trí đối thoại rất mềm mại, đáng yêu của công chúa Ngọc Bình.
Tính đối thoại trong kịch của Hứa Hoàng Mẫn (vở "Gia Vũ Yên Đăng") lại làm người xem bàng hoàng trước tội ác của một gia tộc được che đậy bằng bộ mặt đạo đức. Uy quyền có được từ sự tranh giành, tình yêu có được từ sự chiếm đoạt đều phải trả giá. Chính sự suy đồi về đạo đức là nguyên nhân dẫn đến tan nát một gia đình.
Vở kịch "Hiu hiu gió bấc" (dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) do đạo diễn trẻ Đăng Khoa dàn dựng, mang đến khán giả nhiều cảm xúc bởi cách dàn dựng tươi trẻ, có chiều sâu nội tâm.
Tận mắt chứng kiến một "Lôi Vũ" rất khí thế của Trần Hồng Thơ, đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng tự tin: "Sàn diễn cải lương đã có một thế hệ trẻ năng động, nay có thêm nữ đạo diễn Trần Hồng Thơ là có thể yên tâm nghĩ đến việc sẽ có nhiều bản dựng mới của những kịch bản hay phục vụ khán giả".
Mong sẽ không bị lôi kéo
Biết tự trọng khi làm nghề đã giúp thế hệ đạo diễn mới ra trường này chấp nhận đối diện với gian nan. Họ ý thức rất rõ việc muốn cho ra đời một vở kịch và cải lương hay, trước hết đạo diễn trẻ phải có sân khấu để thể hiện ý tưởng sáng tạo, tiếp đến là có kịch bản mang tính văn học, rồi cả một ê-kíp chuyên viên lo về âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ, thiết kế sân khấu… Thế nhưng, trong tình trạng sân khấu TP HCM ở thuê, mọi khâu đều chưa ổn định, ít đạo diễn trẻ trong số họ may mắn có được điều kiện làm việc như mong muốn.
Làm sao để vừa bảo đảm doanh thu cho vở diễn vừa tạo được giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa giáo dục trong vở kịch và cải lương hôm nay vẫn là điều làm cho thế hệ đạo diễn trẻ trăn trở. Đó cũng là mục tiêu họ đang hướng đến. "Chúng tôi không phụ lòng tin của thầy cô nên khi làm phải đắn đo, cân nhắc lắm để không đánh mất thành quả mà mình đã đạt được" - nữ đạo diễn Trần Hồng Thơ nói.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Bình tâm sự: "Còn khao khát làm nghề là còn phải sống tử tế với nghề. Khi đạo diễn chúng tôi không còn phải ngồi chờ diễn viên đến sàn tập dài cổ và những người tham gia vở diễn đều đặt lòng tự trọng lên hàng đầu thì các khâu: thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm nhạc, phục trang đã có được sự đồng điệu về ý tưởng sáng tác. Có những hoài bão mình ấp ủ từ ghế nhà trường, nay gặp đúng ê-kíp sáng tạo hợp ý nên vui vẻ lấy "của để dành" ra dùng".
"Khi người ta trẻ, họ thường... liều. Sự liều lĩnh đó đã làm nên những tác phẩm sân khấu quá đẹp về mặt nghệ thuật. Mong rằng lớp đạo diễn trẻ này không bị lôi kéo bởi thù lao hấp dẫn của game show, của truyền hình thực tế, của những sô diễn không đúng nghề, để giữ đúng tinh thần được học từ thầy mình - đó là NSƯT Đoàn Bá" - NSƯT - đạo diễn Nguyễn Công Ninh kỳ vọng.
"Có điều phải tạo điểm diễn cho họ, để họ có động lực gắn bó với nghề" - NSƯT Ca Lê Hồng mong mỏi.
Trao cho họ sự tự tin
NSND Ngọc Giàu cho rằng: "Để các tài năng đạo diễn trẻ của sân khấu hôm nay có cơ hội tỏa sáng, cần có nhiều sân chơi hơn, quy mô hơn và các đơn vị nghệ thuật cũng cần mạnh dạn trao việc thực hiện, xây dựng những tác phẩm nghệ thuật vào tay đội ngũ đạo diễn trẻ này".
NSND Hồng Vân "bật đèn xanh": "Sàn diễn kịch Phú Nhuận luôn mở rộng cửa mời họ tham gia dựng vở. Đó là cách tốt nhất để giữ được sự thanh xuân trong nghệ thuật của họ". Còn đạo diễn Lê Nguyên Đạt thì bảo: "Sân khấu Sen Việt sẽ là bà đỡ cho nhiều đạo diễn trẻ, để họ có tác phẩm ra mắt công chúng. Nghệ sĩ ngôi sao khi nghe dự án của họ cũng hồ hởi tham gia, không đặt vấn đề cát-sê".
"Sân khấu chỉ có những người già như chúng tôi làm đạo diễn sẽ là một sân khấu thiếu tương lai. Hãy tạo điều kiện cho người trẻ xuất hiện, trao cho họ cơ hội và sự tin yêu, đừng buộc họ phải tự bơi nữa" - đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
Bình luận (0)