xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sàn kịch thoi thóp: Thù lao teo tóp

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Diễn viên ngôi sao hưởng mức thù lao chưa đến 1 triệu đồng/đêm, diễn viên trẻ lãnh 150.000-300.000 đồng/suất nên sức sáng tạo cũng vơi dần

Khi sân khấu vắng khán giả, đời sống nghệ sĩ khó khăn hơn, thù lao vốn đã không nhiều nay còn bị “teo tóp”. Dẫu vậy, họ vẫn nỗ lực chung tay góp sức vượt khó để giữ cho sân khấu luôn sáng đèn, phục vụ khán giả. Tuy nhiên, về lâu dài, họ không thể cứ sống mãi trong tình trạng thoi thóp, chết lúc nào cũng không biết.
img
Sàn diễn kịch khó khăn khiến các sân khấu không còn khả năng đầu tư dàn dựng những vở diễn có quy mô lớn, chất lượng nghệ thuật cao

Nỗi buồn cát-sê

Mỗi năm, cát-sê của diễn viên kịch Sân khấu IDECAF được tăng 50.000 đồng/người. “So với ca nhạc, điện ảnh, mức tăng này chẳng thấm vào đâu. Nhưng anh em chúng tôi cảm thấy an tâm mà gắn kết vì dù sao cũng có tăng lương. Chúng tôi không dựa theo độ nổi tiếng mà tăng cát-sê, dù diễn viên ngôi sao vẫn cứ giá chưa đến 1 triệu đồng/đêm, diễn viên trẻ thì lãnh từ 150.000-300.000 đồng/suất. Để giữ nồi cơm chung, anh em nghệ sĩ không than thở, chấp nhận mức cát-sê mà nói ra ai cũng cảm thấy ái ngại. Nhìn những giọt mồ hôi, những buổi tập căng thẳng mới thấy áp lực lao động nghệ thuật của nghệ sĩ kịch nói rất cao nhưng họ trân quý điều đó và cố gắng giữ ngọn lửa yêu nghề. Mỗi ngày, tôi phải nghĩ đến việc kiếm ít nhất 30 triệu đồng để duy trì hoạt động của công ty, chưa nói phải tích lũy để tái sản xuất” - “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Đạo diễn Ái Như thuộc Sân khấu Hoàng Thái Thanh cho biết hiện tại, lực lượng hưởng lương cơ hữu của sân khấu này là khoảng 30 người. Nhân viên như: hậu đài, âm thanh - ánh sáng, soát vé, vệ sinh… có mức lương từ 3,5-6 triệu đồng/tháng. Tất cả đều chỉ trông chờ vào nguồn thu duy nhất là bán vé vì không có tài trợ.

Để giúp cải thiện thu nhập cho “quân” của mình, “bà bầu” Hồng Vân “tả xung hữu đột” khắp các “mặt trận”. Nữ nghệ sĩ này than thở: “Tôi phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, tự tìm tài trợ, vận động các mạnh thường quân để có 30 suất diễn tại 15 trường trung học và 15 trường tiểu học. Cát-sê diễn viên cũng chỉ 150.000 đồng/người nhưng có còn hơn không, nhất là khi các vở kịch dài không thể tăng nổi doanh thu trong thời buổi khó khăn”.

Với Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, từ khi có chủ trương mời nghệ sĩ tự bỏ vốn đầu tư vở, nhà hát tạo điều kiện để vở diễn ra đời với mức thuê mặt bằng rất hữu nghị. Một số diễn viên kịch đã đứng ra làm bầu như: Cát Tường, Mỹ Uyên, Tuyết Thu, Cát Phượng… Vì tự thu, tự chi nên giá cát-sê của mỗi vở dễ tính toán. “Khi tôi dựng vở Chưa yêu sao hiểu được, cát-sê của NSND Ngọc Giàu cao nhất cũng chỉ 1,1 triệu đồng. Thế mà có suất tôi phải bù lỗ! Đến nay, tôi vẫn chưa lấy lại đủ số vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng” - Cát Phượng nói.

“Lỗ hổng” sân khấu xã hội hóa

Trước thực trạng nhiều sân khấu kịch sống thoi thóp, ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, phân tích: “Hầu hết các sân khấu xã hội hóa đều thiếu kỹ năng quản trị và kinh nghiệm điều hành”.

NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, hiện cả nước chẳng có giám đốc nhà hát kịch nào được đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh, làm theo cảm tính là chính. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ nếu họ tự đi học, trang bị kiến thức thì việc đầu tư này không phải do nhà nước rót vốn. Hệ quả là không có tiến trình, hoạch định khoa học nên họ cứ loay hoay với chuyện doanh thu mà sinh ra dàn dựng bừa, quên việc vun đắp thương hiệu mang bản sắc riêng. Bên cạnh đó, luật biểu diễn chưa có khiến không ai dám đầu tư mạnh vì chưa có hành lang pháp lý cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo đảm an toàn đồng vốn bỏ ra. “Tuy cơ chế duyệt vở và cấp phép hiện nay đã thoáng nhưng nhà đầu tư vẫn thấy bấp bênh khi bỏ vốn vào kịch nói. Khán giả cũng phân vân trong việc vào xem một vở kịch mang tính nghệ thuật vì mức đầu tư quá lớn của vở khiến giá vé cao ngất” - ông Ngọc nêu thực trạng.

Theo đạo diễn Ái Như, hầu hết nghệ sĩ đứng ra lập sân khấu riêng đều có vốn đầu tư không cao, không thể tự xây rạp nên chuyện an cư rất khó. Do vấn đề tài chính nên các sân khấu kịch xã hội hóa hiện nay có nhiều nguy cơ bị “chảy máu chất xám”. NSND Hồng Vân phân tích: “Nguồn nhân sự của sàn kịch bị phim truyền hình, các chương trình giải trí cuốn hút… Một diễn viên ký hợp đồng quay 30 tập phim có nguồn thu vài trăm triệu đồng, trong khi để có được thu nhập đó ở sàn kịch, họ phải diễn suốt 5 năm, thậm chí nhiều hơn”.

Với kinh phí đầu tư khó khăn như hiện nay, các sân khấu xã hội hóa gần như không có nguồn kinh phí cho việc PR, quảng bá để vở diễn đến với số đông công chúng nên phải bán vé giảm giá qua các trang mạng, doanh thu vì thế càng ít hơn.

Sàn kịch xã hội hóa ví như con cá đang mắc cạn, vẫy vùng chờ cứu. Nhưng ai sẽ cứu là câu hỏi chưa có lời đáp.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-11
Cải tạo rạp cũ cho thuê giá rẻ, được không?
Rất nhiều rạp hát trên địa bàn TP HCM đã bỏ hoang hoặc khai thác không đúng công năng là sự lãng phí lớn, trong khi các sân khấu kịch xã hội hóa đang thiếu mặt bằng để làm sàn diễn.
NSND Hồng Vân đề xuất đối với các rạp Lao Động A (hiện bỏ không); Lệ Thanh, Thanh Vân, Gia Định (một phần làm nhà sách); Nhân Dân…, nhà nước có thể đầu tư vốn để cải tạo lại rồi cho thuê với giá hỗ trợ. “Đó là cách làm nhanh nhất thay vì phải xây dựng nhà hát, trong khi chờ đợi những công trình xây dựng cụm rạp đa năng ở quận 2 theo quy hoạch của thành phố” - NSND Hồng Vân nói.
 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo