Để quảng bá cho ca khúc mới phát hành của mình, Sơn Tùng M-TP và ê-kíp của anh chọn hình thức livestream tiết mục biểu diễn ca khúc mới này từ một phòng thu bí mật phát trên kênh YouTube. Cách đây chưa lâu, Mỹ Tâm thực hiện livestream trên trang cá nhân để nói chuyện cùng fan (người hâm mộ) nhân dịp cô ra mắt MV (phim ca nhạc) mới.
Phương tiện quảng bá hữu hiệu
Nhiều chương trình giải trí áp dụng công nghệ này mà chẳng cần nhờ đến xe màu của các đài truyền hình như trước đây. Người đầu tiên ở showbiz Việt áp dụng công nghệ livestream truyền hình trực tiếp đêm diễn của mình phải kể đến ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Đêm diễn “Và em đã yêu” của cô năm 2009 được thực hiện livestream đầu tiên. “Việc này nhằm phục vụ người hâm mộ không thể đến sân khấu để xem chương trình” - Hồ Ngọc Hà chia sẻ. Tuy chất lượng đường truyền không đáp ứng được như mong muốn nhưng người trong giới ghi nhận việc làm mang tính thể nghiệm này.
“Livestream là cách để nghệ sĩ đến gần hơn với người hâm mộ của mình” - nhạc sĩ, đạo diễn Quang Huy (quản lý của ca sĩ Sơn Tùng M-TP) nói. “Nếu trước đây, việc ca sĩ phải tổ chức offline (những cuộc họp fan) đầy tốn kém để rút ngắn khoảng cách với người hâm mộ thì nay, livestream giúp họ đỡ tốn kém và tiện dụng hơn bội phần” - ca sĩ Đông Nhi cho biết thêm. Noo Phước Thịnh, Minh Hằng... hay cả những ngôi sao lớn như Đàm Vĩnh Hưng đã tiết kiệm được nhiều thời gian cho việc giao lưu với fan của mình khi vừa tham gia một buổi giao lưu do radio tổ chức vừa livestream cho khán giả theo dõi trực tiếp hình ảnh ở đó trên trang cá nhân của mình.
Chương trình trò chuyện giao lưu của Noo Phước Thịnh bằng livestream mới đây đạt hơn 200.000 lượt người theo dõi. Mỹ Tâm thực hiện livestream trò chuyện cùng fan trên trang cá nhân của mình nhân dịp giới thiệu MV mới trở thành sự kiện thu hút hàng chục ngàn lượt người theo dõi. Hiệu ứng lan tỏa khiến livestream trở thành công cụ hữu hiệu buộc hầu hết sao Việt hiện nay đều áp dụng, không chỉ cho mục đích quảng bá sản phẩm mới của họ mà còn giao lưu xây dựng hình ảnh với công chúng qua những sinh hoạt rất đời thường khác, như Mỹ Tâm khoe tài nấu bánh chưng; Đàm Vĩnh Hưng livestream cho fan biết anh đang làm gì khi đi tour nước ngoài; Giang Hồng Ngọc khoe giọng bản ghi âm thử một ca khúc mới; hoa khôi Thúy Vân khoe tài đánh đàn; hoa hậu Phạm Hương khoe khả năng vũ đạo…
Thực tế, livestream được ứng dụng mạnh mẽ trên thế giới như trong các lễ trao giải âm nhạc đình đám, những buổi ra mắt phim, những chương trình trình diễn thời trang đẳng cấp, những chương trình âm nhạc của những ngôi sao Âu - Mỹ, K.pop hay Cantopop. Vậy nên, sự phát triển mạnh mẽ của livestream ở Việt Nam là điều dễ hiểu. Nếu trước đây, YouTube gần như độc quyền livestream thì gần đây, “ông lớn” Facebook cũng đã cập nhật xu hướng livestream cho người dùng. Khắp nơi, từ ngôi sao đến người thường đều có thể ứng dụng livestream trên trang cá nhân của mình. Minh chứng là cách đây vài ngày, đám cưới diễn viên Lương Thế Thành được livestream trên trang cá nhân của anh, trang cá nhân của giới truyền thông và cả của khán giả chứng kiến sự kiện.
Cạnh tranh với truyền hình truyền thống
Tính đến nay, không kể hết những chương trình áp dụng công nghệ livestream với mục đích quảng bá sản phẩm, chương trình của họ. Có thể kể đến như “Elle show”, “Làn sóng xanh”, “Future now” của Yeah 1, “Happy lunch” của XoneFM… Rõ ràng, truyền hình truyền thống đã không còn ở thế độc quyền phát “live”. Chính các đài cũng phải gia nhập vào cuộc chơi mới khi các chương trình của các kênh truyền hình đều được trực tiếp qua mạng trên YouTube. Phương thức này được xem là kênh phát sóng thứ 2 “chạy” song song với kênh chính thức. Có thể kể đến như HTV Entertainment, VTV Showbiz, Biz TV, ANTV, POPs World Wide…
Không chỉ nghệ sĩ tên tuổi mà ngay cả những nghệ sĩ mới nổi cũng không phải đầu tư kinh phí cho công tác truyền thông trong những sự kiện của cá nhân vì livestream trên trang cá nhân đạt hiệu quả cao gấp nhiều lần, ở đó lượng người theo dõi trên trang cá nhân đạt con số vài triệu”. Đây cũng chính là lý do những hoạt động quảng bá truyền thống như tổ chức họp báo, họp fan, giới thiệu sản phẩm trên truyền hình, radio… đã trở nên lỗi thời khi livestream chứa đựng quá nhiều ưu việt.
Sự phát triển nhanh chóng của livestream, thậm chí vượt mặt truyền hình truyền thống vì livestream không bị giới hạn bởi lãnh thổ cũng như thiết bị cồng kềnh của một buổi truyền hình trực tiếp. Tức livestream có thể truyền trực tiếp sự kiện đến khán giả toàn cầu trên mọi thiết bị từ máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại có kết nối internet. Hơn hết, livestream sẽ cho chủ nhân biết ngay tức thì sự phản hồi của công chúng về chương trình.
Xu hướng thời đại
Việc truyền hình trực tiếp qua một trang mạng chia sẻ video sẽ làm thỏa mãn nhu cầu của thành viên đăng ký theo dõi nên tính về đường dài, đây sẽ là hình thức kinh doanh hái ra tiền và livestream sẽ là phương tiện hữu hiệu. Ví dụ như sự hợp tác của trang web xem video online Tencent (một trong những trang web có lượng người xem “khủng”) của Trung Quốc với Cantara Global - một công ty truyền thông Hàn Quốc cho ra mắt công trình phát trực tiếp buổi diễn của các thần tượng Hàn Quốc mỗi tháng 1 lần, bắt đầu từ tháng 2-2015. Một trong những sự kiện đáng chú ý gần đây nhất là buổi diễn của nhóm nhạc nữ Girl’s Generation tổ chức tại Wapop Hall (Seoul) đã thu hút được 1,57 triệu lượt xem tại Trung Quốc, với hơn một nửa khán giả truy cập đến từ tỉnh lẻ - những nơi mà nhạc sĩ ca sĩ ít có khả năng đến trình diễn.
Tuy hiện ở Việt Nam hiệu ứng từ công nghệ này chưa đạt hiệu quả cao khi đường truyền còn có vấn đề về kỹ thuật nhưng với những đơn vị sản xuất chương trình, livestream chính là tiếng nói của tương lai. Vì vậy, dù ở showbiz Việt livestream hiện chưa tạo được dấu ấn nhưng việc phát triển công nghệ này là điều phải hướng tới.
Bình luận (0)