Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, tại hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam” do Hội Điện ảnh tổ chức sáng 6-11 tại Hà Nội. Lâu nay, muốn có phim về đề tài lịch sử công chiếu cho người dân xem, nghệ sĩ phải đợi dịp lễ hội hoặc kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, có kinh phí tài trợ của Nhà nước mới dám làm.
Nhưng tiền không phải là điều khó nhất mà cứ liệu lịch sử của Việt Nam không còn nhiều mới là điều đáng lo nên mỗi bộ phim về đề tài lịch sử làm ra đều gặp dư luận trái chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử, công chúng. Nhà văn Lê Phương, tác giả kịch bản Đêm hội Long Trì thốt lên: “Phải liều, thật liều thì mới có phim lịch sử”.
Theo ông Trần Luân Kim, nguyên chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, một trong những vướng mắc không dễ vượt qua là sự xử lý chuẩn xác, hợp lý mối quan hệ không thật rõ ràng giữa tính xác thực lịch sử với tính sáng tạo của nhà biên kịch, tức giữa sự thật lịch sử với sự chân thực hư cấu. Nhân vật lịch sử, phim lịch sử luôn bị ràng buộc bởi những khuôn khổ khách quan mà lịch sử đã định hình. Việc phản ánh, tái tạo bộ mặt lịch sử trong khuôn khổ này nếu làm ngược lại, có thể rơi vào xuyên tạc, xâm hại lịch sử. Song, để biến nhân vật và chất liệu lịch sử trở thành hình ảnh sống động, hấp dẫn, sự sáng tạo, hư cấu nghệ thuật là không thể thiếu. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn cũng cho rằng lịch sử như hạt nhân, nó chỉ có một nhưng dưới quan điểm sáng tạo của nghệ sĩ, có thể biến đổi vô biên. Vì thế, những ai có ý kiến cho rằng “không giống như lịch sử”, “đi quá xa so với lịch sử” nên nhìn lại.
Một đạo diễn phàn nàn do dò dẫm làm phim lịch sử nên luôn vướng phải phản biện. Có những phản biện tốt nhưng nhiều phản biện làm nản chí những ai đã và đang dấn thân vào dòng phim này. Không chỉ thế, điều này còn khiến các nhà đầu tư đóng chặt hầu bao vì không muốn đổ tiền vào một dự án mà phần nhiều là có nguy cơ đổ sông đổ biển. “Hãy tìm hiểu những khác biệt so với chính sử mà các nhà làm phim đưa ra mang lại hiệu quả gì” - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đề nghị các nhà sử học hoặc khán giả muốn nghiên cứu nghiêm chỉnh lịch sử đừng mất công xét nét những tình tiết được cho là không thật, hư cấu trong phim lịch sử.
Thiếu tiền, thiếu trường quay, thiếu người tài… tóm lại là cái gì cũng thiếu nên ai cũng sợ làm phim lịch sử.
Bình luận (0)