xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống như Xậm

Bài và ảnh: Ngân Hà

Dù bị liệt hai tay và một chân nhưng chị vẫn tốt nghiệp ĐH. Chị còn vẽ tranh, đánh máy, dạy học cho học sinh khuyết tật...

Tại hội nghị tuyên dương những công nhân vượt khó đi học do LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM tổ chức mới đây, mọi người đều khâm phục trước ý chí của cô gái khuyết tật Huỳnh Thị Xậm - 37 tuổi, nhân viên thư viện Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM (gọi tắt là Trung tâm, tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). Bị liệt hai tay và một chân nhưng chị Xậm vẫn cố gắng học và đã tốt nghiệp Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP HCM vào tháng 3-2014.

Vượt lên số phận

Đến thư viện của Trung tâm, chúng tôi bắt gặp chị Xậm đang ngồi ghi chép tên sách vào một quyển sổ bằng một bàn chân. Chị ghi thoăn thoắt; chữ đẹp, đều tăm tắp. Trước sự ngưỡng mộ của chúng tôi, chị cười: “Để chân cầm được viết là điều cực kỳ khó khăn nhưng nhờ quyết tâm, mọi thứ cũng ổn”.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cô bé Xậm đã khác lạ hơn những đứa trẻ khác. Hai bàn tay và bàn chân của cô co rút, teo tóp; bàn chân còn lại cũng sử dụng được 4 ngón chân. Hằng ngày, ba mẹ đi làm, anh chị em đến trường, Xậm chỉ lê lết quanh quẩn trong nhà bằng một chân duy nhất. Năm Xậm 15 tuổi, ba chị lâm bạo bệnh, qua đời. “Thấy nhà hiu quạnh và nếu chỉ lết trong nhà thì sẽ mãi không làm được gì, không thể nuôi sống bản thân mình, tôi quyết định phải đi học” - chị tâm sự.

 

Chị Huỳnh Thị Xậm viết chữ bằng chân
Chị Huỳnh Thị Xậm viết chữ bằng chân

 

Ngày chị đến trường mẫu giáo để học những chữ cái đầu đời, cô giáo nhìn chị ái ngại, Xậm cứ khăng khăng: “Em học được!”. Cô giáo thương, xếp chị ngồi bệt ở một góc lớp mà học với các bạn chỉ 4-5 tuổi. Dù đã sử dụng thuần thục một bàn chân để làm việc nhà nhưng đến khi cầm bút, mọi thứ khó khăn hơn. Cây bút cứ đưa lên lại trơn tuột, rớt xuống. Nhiều đêm, chị tập đến nửa khuya, bàn chân tê dại, đau buốt. Kiên nhẫn hơn 1 tháng, Xậm mới cầm bút thuần thục bằng chân.

Ban đầu, có đứa em đưa đi đón về; rồi gia đình khó khăn, em chị nghỉ học nhưng chị vẫn đến trường. Có lúc nhờ bạn bè, có lúc chị tự bơi xuồng đến lớp. Thời gian thấm thoát trôi, chị Xậm cũng tốt nghiệp THPT năm 27 tuổi.

Cô giáo của trẻ khuyết tật, bất hạnh

Năm 2006, qua lời giới thiệu của người quen, chị tìm đến Trung tâm để học nghề vi tính. Cầm viết đã khó, đánh máy càng khó hơn với 4 ngón chân. Nhưng với quyết tâm cao, tập dùng bàn phím nhiều lần thất bại, chị nghĩ ra cách kẹp một cây bút chì vào 4 ngón chân. Không ngờ cách này hiệu quả những khi cần bấm 2 phím cùng lúc, chị dùng cây bút chì giữ phím, 4 ngón chân còn lại đánh chữ còn chân kia rê chuột.

Học xong vi tính, chị Xậm được bố trí làm việc tại thư viện của Trung tâm. “Đây là công việc tôi yêu thích vì phù hợp với khả năng mình và có thể thỏa thích đọc sách” - chị chia sẻ. Công việc hằng ngày của Xậm là ghi chép các danh mục sách, sắp xếp sách trên kệ, bọc lại những quyển sách cũ...

Không bằng lòng trước những kiến thức đã có, năm 2010, chị cùng một đồng nghiệp của Trung tâm thi vào Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP HCM. Dù chỉ học thứ bảy, chủ nhật hằng tuần nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng vất vả đối với Xậm. Chị và cậu đồng nghiệp phải mất hơn 1 giờ vượt gần 20 km từ Hóc Môn tới quận 3 để đến lớp. Ban đầu, trường không biết có người khuyết tật nên bố trí lớp học trên lầu, chị phải mất hơn 10 phút để lê lên lớp. Sau đó, trường đã bố trí lớp học dưới đất và có xe lăn cho chị di chuyển từ nhà xe đến lớp.

Ngoài công việc của nhân viên thư viện, buổi tối hằng ngày, chị Xậm còn tình nguyện dạy chữ cho trẻ khuyết tật học nghề tại Trung tâm. Có khi 5 em, có khi 7 em, có lúc hơn 10 em trong lớp học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4 của chị. Chị kể: “Mình không có nghiệp vụ sư phạm nhưng cố gắng vừa học hỏi vừa dạy để các em biết đọc, biết viết, biết được tên mình. Không biết chữ thì thiệt thòi lắm”. Các em khuyết tật chân tay còn đỡ, dạy các em bị câm điếc rất vất vả. Chị phải học các ký hiệu nói chuyện với người câm, điếc; có khi dạy đi dạy lại cả tuần chỉ mỗi một chữ. “Khi các em viết được chữ, ghép được vần, tôi mừng rơi nước mắt” - chị tâm sự.

Thời gian rảnh, chị Xậm còn vẽ tranh. Chị ngồi bệt dưới đất, đưa từng nét cọ với bàn chân duy nhất. Những bức tranh chị vẽ thường là hoa lá, cỏ cây, côn trùng... tươi thắm, sặc sỡ như những khát vọng, ước mơ của chị. Em Huỳnh Thị Quyên, học viên của Trung tâm, cho biết: “Chị Xậm rất hòa đồng với mọi người. Khi học viên đến thư viện, chị luôn nhiệt tình giới thiệu những quyển sách hay, phù hợp với sở thích từng người”.

 

“Huỳnh Thị Xậm là tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học, vượt qua khó khăn. Chính nghị lực phi thường của Xậm đã giúp nhiều em ở Trung tâm phấn đấu, vươn lên”.

Bà Đinh Thị Hỏi,
Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo