Phong phú những giọng hát trữ tình
Lớp ca sĩ đã thành danh ở dòng nhạc quê hương có: NSND Thu Hiền, Hồng Vân, Hương Lan, Nhất Sinh, Quang Linh, Đình Văn, Tô Thanh Phương; lớp trẻ hơn là những giọng ca: Đông Đào, Thanh Thúy, Đào Đức, Phương Dung, Vân Khánh, Khánh Duy, Cẩm Ly... Điều này cho thấy các giọng hát nhạc quê hương trữ tình luôn có sự tiếp nối.
Những cung bậc trữ tình như: Thương về miền Trung (Châu Kỳ), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh (Trần Hoàn), Ca dao em và tôi (An Thuyên), Còn thương rau đắng mọc sau hè (Bắc Sơn), Điệu buồn phương Nam (Vũ Đức Sao Biển)... đã tạo nên sự cân đối và nét riêng của ca khúc trữ tình gắn bó với tình đất - tình quê. Ở đây, sự tinh tế của giai điệu âm nhạc và ca từ đã đi vào lòng người với nhiều cảm xúc, qua những hình tượng thân thiết.
Rất khiêm tốn, ca sĩ trẻ Hạnh Nguyên tâm sự: “Mỗi dòng nhạc đều có những nét hay của nó, riêng với dòng nhạc quê hương trữ tình lại rất rộng, nên em đi vào dòng nhạc này thuận lợi hơn, không bị... chen chân”. Hạnh Nguyên đã có 5 năm ca hát và đã tìm cho mình một dòng nhạc phù hợp. Với sự hướng dẫn của nhạc sĩ Quốc Dũng, cô đã có nhiều tiến bộ qua các ca khúc Quê em mùa nước lũ, Bài ca dao cho em. Hiện Hạnh Nguyên đang học đàn tranh để có thể hỗ trợ cho việc ca hát, nhưng có lẽ ít khán giả biết được cô đã tốt nghiệp Khoa Xuất nhập khẩu Đại học Ngoại thương TPHCM.
Băng, đĩa nhạc quê hương ăn khách
Ông Trương Quốc Khánh, Phó Giám đốc Hãng phim Vafaco, nhận xét: “Hiện nay, nhạc thời trang có “tuổi thọ” khoảng 3 tháng, trong khi đó, các loại băng, đĩa ca nhạc trữ tình quê hương được bán quanh năm. Điều này cho thấy nhu cầu của người yêu dòng nhạc này rất lớn, các nhà sản xuất vẫn cần phải đầu tư hơn nữa”.
Với những ca khúc Trở lại Bạc Liêu, Dạ cổ hoài lang, đặc biệt là với CD Hồn nhiên đi nhé, ca sĩ trẻ Khánh Duy đã “ăn chắc mặc bền” với dòng nhạc quê hương trữ tình. Từng đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM năm 1991, đến nay Khánh Duy mới qua thời thử nghiệm với các dòng nhạc khác. Khánh Duy tâm sự: “Với tôi, dòng nhạc này là sở trường. Để thể hiện tốt, ca sĩ phải am tường về giai điệu, tiết tấu, có sự cảm nhận về hình tượng của ca từ... để có thể chuyển tải cái “thần” của ca khúc đến với khán giả”.
Việc hình thành một dòng nhạc quê hương trữ tình sẽ là nguồn động viên giới nhạc sĩ sáng tác có nhiều sáng tạo hơn trong việc phát triển tác phẩm từ nguồn mạch dân ca, dân vũ, các điệu lý, câu hò trên mọi miền đất nước. Từ dòng nhạc này, hy vọng nhiều ca sĩ trẻ sẽ được chắp cánh...
Bình luận (0)