xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sức sống diệu kỳ của tình yêu

Thanh Hương (Vietsovpetro, Bà Rịa - Vũng Tàu)

“Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...” (Câu hò bên bờ Hiền Lương nhạc: Hoàng Hiệp, lời: Hoàng Hiệp, Đằng Giao). Khi lời ca vang lên, trước mắt tôi hình ảnh chiếc cầu Hiền Lương bé nhỏ, hiền lành nối đôi bờ sông cũng hiện dần lên. Tưởng chừng tôi nghe được tiếng gió, tiếng sóng vỗ nhẹ chân cầu, nhìn thấy nước sông Bến Hải trong xanh và hai bờ tre soi mình trong nước biếc.

Từ nhỏ, tôi đã yêu từng câu chữ và giai điệu sâu lắng, thiết tha của bài hát. Khi thức, tôi ngâm nga một mình, khi ngủ, lời hát cứ lặp lại mãi trong tâm trí tôi. Có lẽ vì lời ca giản dị, đầy hình ảnh quen thân, dễ đi vào lòng người. Có thể vì tôi yêu giọng hò miền Trung và hình bóng con thuyền, bến nước. Cũng có thể vì đây là cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng Bến Hải quê tôi. Cầu chỉ dài 198 mét thôi mà hai màu sơn, mà cách ly hai miền Nam - Bắc dằng dặc 20 năm. Hai mươi năm, cầu Hiền Lương không được làm chức năng vốn có của những chiếc cầu là nối bờ vai, là biểu hiện của tình thân ái, đoàn kết và thông thương. Nó được dùng để phân định ranh giới hai miền. Khoảng cách địa lý đã chia, nhưng lòng người thì làm sao chia được! Ngày ấy, cứ nghe hát là tôi nghĩ đến cảnh người vợ chờ chồng, cầm nón đứng ở bờ Nam dõi mắt về phương Bắc và người chồng đứng nhìn về dãy Trường Sơn mờ xa, quặn lòng nhớ trời Nam. Nỗi đau chia ly không phải một hai ngày mà quay quắt 20 năm ấy bật lên trong từng câu hát: “Hay là em bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi. Gửi niềm tin theo gió qua mấy câu thiết tha hò ơ...”. Câu hát như dao cứa, như muối xát, nghe mà lòng rưng rưng.

Tôi lớn lên, biết yêu, biết nhớ và bắt đầu cảm nhận thêm những cung bậc khác từ bài hát thân quen. “Thuyền ơi có nhớ bến chăng, bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền...”. Câu hát là lời thì thầm, lời ước nguyện và nhắc nhở, dặn dò những đôi lứa yêu nhau. “Dù cho bến cách sông ngăn. Dễ gì chặn được duyên anh với nàng. Xé mây cho sáng trăng vàng. Khai sông nối bến, cho nàng về anh”. Đây là một lời hứa, lời cam kết khéo léo, sâu sắc và mãnh liệt. Hình ảnh thuyền, buồm, ánh trăng, mây trôi, đàn chim và những câu hò gửi vào bài hát tạo nên sự truyền cảm tha thiết. “Nơi miền quê xa vắng em có nghe thấu chăng lòng anh?” là câu hỏi và là câu trả lời, để cho câu cuối vang lên như một quyết tâm không gì lay chuyển được: “Tình này ta xây đắp, nên thủy chung không bao giờ phai”.

Tôi đã hiểu vì sao tôi thích nghe Câu hò bên bờ Hiền Lương. Vì yêu làn điệu dân ca ẩn trong từng câu hát, giọng hò và ý tứ sâu sắc của lời ca, hay vì thương những đôi lứa một thời chia cắt, thương đất nước một thuở phân ly. Vì yêu con người và tin rằng tình yêu cho ta sức mạnh vượt qua thử thách, chia ly. Gian khổ, chia ly, khoảng cách địa lý, tháng năm... sẽ chỉ làm cho tình yêu nồng nàn, sâu đậm hơn. Sự thật này đã trở thành chân lý, không chỉ trong thời chiến, mà vẫn giữ nguyên giá trị ngày hôm nay, khi con người luôn phải đấu tranh với hoàn cảnh và chính mình để giữ trọn tình yêu. Đó chính là bí mật làm nên sức sống kỳ diệu của Câu hò bên bờ Hiền Lương, một trong những bài hát sống mãi với thời gian, “đi cùng năm tháng” của thời đại chúng ta.

Ở phương Nam, nghe hát, tôi tưởng được trở về dòng Bến Hải trong một đêm trăng, được đứng trên chiếc cầu bé nhỏ, nghe câu hò vọng lại “Thuyền ơi có nhớ bến chăng?...”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo