Chúng tôi đến Phòng Quản lý Di tích (Cục Di sản, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), hỏi chuyện bê tông hóa làng cổ Đường Lâm, một cán bộ của phòng ngao ngán nói: “Số nhà cổ đá ong biến mất... không thể đếm xuể, nhanh và nhiều đến chóng mặt!”.
Biến mất từng ngày, từng giờ
Anh Nguyễn Văn Chiến, một chủ thầu xây dựng ở làng Đường Lâm, nói: “Tôi đi xây 10 ngôi nhà thì đến cả 10 ngôi xây bằng gạch, chẳng ai chọn đá ong nữa”.
Theo thống kê của Phòng Quản lý Di tích, ở Đường Lâm có khoảng 350 ngôi nhà được xây theo lối cổ nhưng số nhà được đưa vào danh sách bảo tồn chỉ dưới 50. Trong đó, số nhà còn nguyên vẹn vật liệu đá ong chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thôn Mông Phụ (làng Đường Lâm) là khu vực được quy hoạch vào diện bảo tồn của làng cổ. Đây cũng là khu vực có nhiều nhà xây bằng đá ong nhất.
Ông Trần Đình Thành, Trưởng Phòng Quản lý Di tích, cho biết: “Tốc độ bê tông hóa ở Đường Lâm nhanh như... gió. Trừ những ngôi nhà trên 200 năm tuổi, đối với những nhà cổ còn lại, cơ quan chức năng không thể can thiệp nên chủ nhà có thể thay đổi kết cấu, vật liệu, thậm chí đập bỏ để xây lại.
Thế nên, nhà cổ đá ong biến mất khi nào, chúng tôi không thể nắm kịp vì diễn ra từng ngày, từng giờ. Ngay cả biểu tượng cho sự cổ kính của Đường Lâm là đình làng Mông Phụ cũng đã được xây lại bằng gạch nung, vết tích của đá ong hoàn toàn biến mất”.
Những ngôi nhà xây hoàn toàn bằng đá ong như thế này giờ chỉ còn là thú chơi của những đại gia
Nhìn cảnh nhà bê tông, tường gạch mọc lên san sát thay cho những ngôi nhà cổ đá ong bị “triệt hạ”, những người hoài cổ trong làng không khỏi xót xa và nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng tìm cách bảo tồn. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu trách vẫn loay hoay.
Đất Đường Lâm nay đã là vùng đô thị (thuộc thị xã Sơn Tây). Người dân Đường Lâm đã được gắn mác “dân thủ đô” gần một năm nay kể từ khi tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập vào TP Hà Nội. Phải chăng vì thế mà người dân nơi đây đua nhau đập nhà đá ong để xây nhà bê tông cho đúng mốt thị dân? Dạo một vòng quanh làng dịp này, đâu đâu cũng thấy nhà mới xây.
Điều đó chứng tỏ đời sống của người dân Đường Lâm ngày càng khá lên. Chỉ có điều nhà bê tông càng nhiều thì đá ong càng nhanh mất dấu ngay trên mảnh đất mà nó từng “ngự trị”.
Khi tôi đến thăm, anh Hà Văn Kiên (thôn Mông Phụ) đang san nền chuẩn bị làm móng cho ngôi nhà mới. “Tôi vừa phá xong ngôi nhà cũ xây bằng đá ong do các cụ để lại. Tiếc lắm nhưng không biết làm thế nào. Nhà đấy rộng thật nhưng bây giờ mà còn tường đá ong thì... phi thực tế quá nên tôi phải làm nhà bê tông thôi” - anh Kiên bày tỏ. Tôi thắc mắc: “Ở Đường Lâm đá ong rất sẵn, sao bảo là phi thực tế?”.
Anh Kiên trả lời thật thà rằng bây giờ xây nhà bằng đá ong tốn kém lắm. Phải thuê thợ về đào đá ong lên, rồi tiền công thuê thợ xây cũng cao hơn xây nhà gạch. “Thời buổi này, phải có tiền tỉ mới xây được nhà đá ong” – anh Kiên phân trần.
Những người đập nhà đá ong để xây nhà bê tông đều có chung quan điểm là nhà bê tông vừa tiện lợi vừa rẻ. Khi nghe tôi nhắc đến mấy chữ “bảo tồn”, “văn hóa cổ”..., họ vặn lại: “Nhà nước có hỗ trợ chúng tôi đồng nào đâu. Nếu được hỗ trợ tiền, chúng tôi sẵn sàng giữ nhà cổ đá ong hoặc chọn đá ong xây nhà”.
Trong khi đó, theo ông Trần Đình Thành, trong kinh phí bảo tồn làng cổ Đường Lâm không có khoản nào để chi hỗ trợ người dân trong việc chọn đá ong làm vật liệu xây nhà. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức bảo tồn của các hộ gia đình.
Vang bóng một thời
Ngày trước, cư dân ở Sơn Tây thường chọn đá ong để làm vật liệu xây nhà. Nhất là ở Đường Lâm, đá ong như đã trở thành người bạn thân thuộc. Ngoài xây nhà, người dân còn dùng đá ong để xây cổng làng, xây giếng, lát đường làng...
Ở đây, cứ đào xuống đất chừng nửa mét là sẽ gặp ngay đá ong. Đá ong xù xì và có phần thô kệch nhưng càng về “già”, vẻ đẹp của đá ong lại càng tỏa sáng. Đó là thứ tài nguyên đặc biệt mà những kiến tạo địa chất từ hàng triệu năm trước đã ban tặng cho Đường Lâm, tạo ra một ngôi làng độc nhất vô nhị trên lãnh thổ VN.
Anh Tiến (thôn Mông Phụ) vẫn tự hào dù chỉ giữ lại được cái cổng bằng đá ong
Những người cao tuổi trong làng luôn tự hào về đá ong như một báu vật. Bà Vân, bán nước cạnh đình Mông Phụ, kể: “Nhà bố mẹ tôi và bố mẹ chồng tôi đều xây bằng đá ong. Từ hồi tôi còn bé tí đã được xem các cụ khai thác đá ong để xây nhà.
Có nhà đá ong thì sướng lắm vì mùa hè thì mát mà mùa đông lại ấm”. Đặc tính của đá ong là hút nhiệt chậm nhưng tỏa nhiệt lại rất nhanh. Thế nên người xưa ở Đường Lâm cũng thật tinh tế khi chọn đá ong làm vật liệu xây nhà, xây làng và xây nên cả một giá trị văn hóa – kiến trúc độc đáo, hiếm thấy.
Chỉ còn trong tâm thức
Trong khi đá ong bị người Đường Lâm quay lưng thì vẫn có những người bị đá ong hút hồn. Dạo quanh làng bây giờ vẫn thấy những cổng đá ong mới xây, vẫn thấy những bức tường đá ong tinh tươm. Thế nhưng, đá ong giờ đây đã trở thành thú chơi của những đại gia địa phương hoặc những người từ nơi khác đến.
Lòng vòng suốt buổi quanh Đường Lâm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một ngôi nhà chuẩn bị xây hoàn toàn bằng đá ong. Chủ nhà là ông Hà Ngọc Hồng, một cán bộ làm trong ngành xây dựng ở Hà Nội. Bà Thu, vợ ông Hồng, bảo: “Chúng tôi bây giờ có tuổi rồi. Khi nào nghỉ hưu thì về đây sống cho trong lành. Lý do xây đá ong là để giữ kiến trúc cổ của làng, đồng thời sau này chúng tôi sẽ mở nhà hàng tại đây”.
Đá ong nay chỉ được xem như là một thú chơi sót lại của những người sinh ra và lớn lên trên “mỏ” đá ong khổng lồ.
Anh Tiến, người ở thôn Mông Phụ, nói: “Các cụ để lại cho tôi căn nhà xây bằng gỗ và đá ong. Khi sửa lại, chỉ giữ được phần gỗ, chứ đá ong thì phải thay bằng gạch”. Điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng vì “thương xót” đá ong quá nên anh đành xây một cái cổng đá ong để minh chứng cho ý thức gìn giữ nét văn hóa – kiến trúc truyền thống của tiền nhân.
Thôi thì dẫu với mục đích gì đi nữa, có người không quên đá ong là mừng. Cái cổng đá ong nhà anh Tiến rất đơn sơ nhưng đã có nhiều người đến chụp hình đưa lên lịch. Thế mới thấy dù trên thực tế, thời của đá ong có thể sẽ sớm suy tàn nhưng sức sống và vẻ đẹp của đá ong vẫn trường tồn trong tâm thức con người.
Biệt thự đá ong Đá ong đã hết đất sống ngay trên quê hương của nó? Một người dân Đường Lâm khẳng định: “Không. Vẫn có biệt thự mới tinh xây bằng đá ong đấy”. Quả thực, ở gần đền thờ Phùng Hưng đầu làng, cách khu vực bảo tồn nhà cổ Đường Lâm một cái ao nước, có hẳn một biệt thự đá ong. Ngôi biệt thự này nghe đâu của một đại gia từ Hà Nội, xây hoàn toàn bằng đá ong, kể cả nhà tắm và toilet. Nữ quản gia của biệt thự này cho biết chủ nhân của nó cuối tuần mới về đây. Họ mua đất và đá ong xây nhà rồi để đấy thôi. |
Bình luận (0)