Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10 - 3 - 1929 tại Hà Nội. Đại tá Nguyễn Đức Toàn là một nhạc sĩ khoác áo lính. Những sáng tác nổi tiếng về đề tài người lính của ông được nhiều người biết đến như “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”,… Sau năm 1975, âm nhạc của Nguyễn Đức Toàn lại chứa đựng tính trữ tình nhiều hơn với một loạt các ca khúc được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận như là “Chiều trên bến cảng”, “Tình em biển cả”, “Mùa xuân đất nước”, “Hà Nội một trái tim hồng”.Ông cũng là một trong số những nhạc sĩ đã giành giải thưởng Hồ Chí Minh.
-Năm 1944, ông học vẽ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội và đã viết bài hát đầu tiên "Ca ngợi đời sống mới". Năm 1946, ông tham gia Đoàn Kịch Sao Vàng cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận và tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong Kháng chiến chống Pháp, ông được biết đến qua bài hát nổi tiếng "Quê em miền Trung du" (tuy là bài hát kháng chiến, nhưng Đài Pháp Á trong vùng Pháp tạm chiếm vẫn phát sóng qua song ca của Thái Thanh – Thái Hằng). Trong thời kỳ này, ông làm Phó đoàn Đoàn Văn công Việt Bắc, tham gia diễn kịch, vẽ minh hoạ, trình bày báo, và sáng tác âm nhạc, với những bài "Chiều hậu phương", "Lúa mới" và một số ca cảnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng chia sẻ, “sáng tác của tôi gắn liền với hai khía cạnh đó. Tôi là một người chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận văn hóa và cũng là nghệ sĩ với cảm xúc sâu. Nếu chỉ vì cảm xúc mà không ý thức được nhiệm vụ chính trị thì tác phẩm cũng không đạt được như mong muốn. Nhưng nếu vì mục đích chính trị thì tác phẩm mang tính chất hô hào sẽ không hay được. Tôi chọn đề tài về các anh hùng liệt sĩ để viết vì tất cả các văn nghệ sĩ Việt Nam đều có khát vọng là viết lại cuộc chiến đấu của dân tộc. Nhưng mỗi người viết theo một cách viết riêng, tôi chọn viết về các anh hùng, liệt sĩ”.
Bình luận (0)