Có một chi tiết rất thú vị, đó là chung quanh bút danh Hoàng Dũng mà chị đã ký trên 60 kịch bản sân khấu, trong đó có nhiều kịch bản nổi tiếng như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Người tình trễ xe, Huyền thoại mẹ, Chiều cao vực thẳm... Chị kể: “Năm 1960 khi sân khấu cải lương hưng thịnh, các tác giả nổi tiếng thời đó như: Hà Triều, Hoa Phượng, Thu An, Nhị Kiều... đều tập trung sáng tác cho các đại bang cải lương. Đoàn kịch nói của tôi ra đời thiếu kịch bản trầm trọng. Tôi đã liều sáng tác nhưng không dám để tên mình mà lấy tên con trai nuôi là Hoàng Dũng để làm bút danh. Vì là nghệ sĩ nên tôi sáng tác trên tinh thần rất nghệ sĩ. Tôi không thể viết kịch bản như cách làm quen thuộc của các tác giả là viết trên giấy, mà tôi đóng cửa phòng lại trong vài ngày, cùng với một người làm thư ký, đó là Kim Quang – em gái của tôi. Cách viết này rất nhanh, vì tôi cứ đọc thoại các vai diễn, em gái tôi gõ máy đánh chữ, cứ thế tôi vỡ hoang từng cảnh diễn và chỉnh sửa lần cuối cùng. Với cách sáng tác này, tôi và em gái đã viết hơn 60 kịch bản, trong đó có phần công sức rất lớn của em tôi. Trên thực tế, tôi là phần Hoàng còn em gái tôi là phần Dũng. Nếu thiếu em tôi thì khó có thể hoàn chỉnh những kịch bản cho sân khấu kịch Kim Cương”.
Bình luận (0)