Nhà thơ kiêm soạn giả Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Nhiều năm qua ông bị bệnh tim mạch, tiểu đường. Cách đây không lâu, ông bị ngã, bể xương chậu, phải nằm điều trị thời gian dài. Khi sức khỏe hồi phục, ông về Long Xuyên sinh sống với con gái.
Nhà thơ kiêm soạn giả Kiên Giang
Ngày 28-10, ông lên TP HCM liên hệ với NXB Văn hóa Văn nghệ để hoàn tất việc in tuyển tập thơ cuối đời. Nhưng bất ngờ ông bị chứng khó thở, được gia đình đưa vào Trung tâm Điều dưỡng quận 8, TP HCM, sau đó chuyển sang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và qua đời tại đây.
Là đồng hương của nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang theo học trường tư Lê Bá Cang ở Sài Gòn năm 1943. Ông lấy nghệ danh Kiên Giang, Hà Huy Hà khi sáng tác thơ và kịch bản cải lương và được xem là thầy của hai soạn Hà Triều - Hoa Phượng.
Các tác phẩm cải lương của ông ngoài hai vở trên còn có các tác phẩm khác: Người đẹp bán tơ (1956), Con đò Thủ Thiêm (1957), Người vợ không bao giờ cưới (1958), Ngưu Lang Chức Nữ, Áo cưới trước cổng chùa, Phấn lá men rừng, Từ trường học đến trường làng, Dòng nước ngược, Chia đều hạnh phúc, Trương Chi- Mỵ Nương, Mây chiều xuyên nguyệt thôn, Sương phủ nửa chừng xuân, Chén cơm sông núi, Hồi trống trường làng, Lưu Bình - Dương Lễ… và nhiều bài tân cổ giao duyên: Trái gùi Bến Cát, Đội gạo đường xa, Tim đá mạ vàng, Ngồi trâu thổi sáo, Ánh đèn soi ếch, Người đẹp bán tơ, Trái tim cò trắng, Vắt sữa nai nuôi mẹ, Hương sắc gái Cà Mau, Lập quán kén chồng, Ni cô và lão ăn mày, Khói lò gạch, Cô gái miền Tây... Những tác phẩm thơ của ông được xuất bản: Hoa trắng thôi cài trên áo tím (1962), Lúa sạ miền Nam (1970), Quê hương thơ ấu (1985)…
Sau 1975, Kiên Giang làm Phó đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ phòng nghệ thuật sân khấu Sở Văn hóa Thông tin TP HCM (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM). Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu TP HCM qua 3 nhiệm kỳ.
Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 1-11 tại Nhà tang lễ TP HCM (số 25 Lê Quí Đôn, phường 7, quận 3, TP HCM), lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 3-11. Đoàn xe tang sẽ di quan đến trụ sở Ban ái hữu Nghệ sĩ TPHCM (số 33 Cô Bắc, quận 1, TPHCM) nơi ông đã từng gắn bó với công việc của ban ái hữu, giúp đỡ nghệ sĩ, công nhân hậu đài nghèo khó nhiều năm liền, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Bình Dương, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Bình luận (0)