Soạn giả Trần Hà
Ông bị bệnh viêm phổi cấp nhiều năm nay và thêm vào đó là tuổi già, sức yếu nên không qua khỏi.
Soạn giả Trần Hà tên thật là Nguyễn Văn Thiệt, sinh năm 1928, tại làng Nhâm Lăng, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ông là con út trong gia đình có 7 anh em nhưng không ai theo nghề sáng tác hoặc biểu diễn nghệ thuật.
Soạn giả Trần Hà từng là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Sân khấu TPHCM khóa 1, cán bộ của Sở Văn hóa Thông tin TPHCM từ năm 1976 đến 1993. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn được tín nhiệm, tiếp tục được giữ công tác cho đến năm 1997 mới chính thức về hưu.
Thuở nhỏ, soạn giả Trần Hà theo học văn hóa tại quê nhà Sóc Trăng. Năm 1947, sau thời gian thân mẫu qua đời, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Suốt 9 năm, ông công tác tại ngành Công an Sóc Trăng. Sau đó, ông được Tỉnh ủy Sóc Trăng phân công ở lại miền Nam công tác đấu tranh rồi phân công làm cán bộ binh vận của Ban Binh vận liên tỉnh miền Đông.
Do nhu cầu công tác binh vận, ông lại có năng khiếu sáng tác thơ văn, khi nhận được lời khuyên của người trực tiếp chỉ huy đã bắt đầu học viết kịch bản. Vở đầu tiên ông sáng tác mang tên “Mê Linh nữ kiệt”. Cho đến năm 1958, ông tạo được sự chú ý qua 2 vở “Nửa mảnh tim” (thể loại xã hội cận đại) và “Mái tóc người vợ trẻ” (thể loại tuồng dân gian).
Trong khoảng thời gian 17 năm (từ 1958 - 1975), soạn giả Trần Hà đã sáng tác khá nhiều kịch bản cải lương cho các đoàn: Kim Chung, Thủ Đô, Kim Chưởng, Thúy Nga, Dạ Lý Hương… Hai sàn diễn ông gắn bó mật thiết là Kim Chung (của bầu Long) và Dạ Lý Hương (của bầu Xuân). Trần Hà cũng là người từng hỗ trợ dựng lên sân khấu cải lương với thương hiệu: Thăng Long Huỳnh Thái, diễn thường trực tại rạp Aristo - trung tâm Hí Viện (trên đường Lê Lai - TP HCM hiện nay).
NSND Đinh Bằng Phi kể: “Sở dĩ anh Trần Hà tham gia ở đó là bởi vì, trong quá trình cộng tác viết tuồng cho gánh Kim Chung, ông đã quen thân với các ông Huỳnh Thái, Ngọc Toàn, Ba Hội… và những người này, lúc đó, do không muốn làm công nên đã có xu hướng tách ra để thành lập gánh hát riêng. Trong quá trình xây dựng như vậy, Trần Hà đã bám trụ nhiều nhất tại gánh Dạ Lý Hương và một số gánh hát nhỏ khác. Ngoài ra, ông cũng đã từng cộng tác với hãng đĩa Việt Nam (số 82 đường Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP HCM) với cô Lê Ngọc Liên bởi có cam kết sẽ bán lại những vở tuồng sau khi hát trên sân khấu. Tài nghệ sáng tác của ông rất tốt. Viết sâu sắc, bút pháp giàu cảm xúc”.
Ông là tác giả của nhiều vở tuồng như: Chấp cánh chim bằng, Khách sạn hào hoa, Bóng hồng sa mạc, Nửa mảnh tim, Mái tóc người vợ trẻ, Liễu Chương Đài, Nữ chúa một đêm, Nạn con rơi...
Các tác phẩm này một thời làm mưa làm gió trên sân khấu cải lương miền Nam. Với giới sân khấu cải lương, ông được đánh giá là soạn giả giỏi, có nhiều "màu sắc" trong sáng tác và nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Tác phẩm của ông luôn mang tư tưởng phương Đông, lấy quan hệ nhân - quả làm gốc mà vẫn không thiếu các tình tiết gay cấn. Năm 87 tuổi, ông đã xuất bản quyển hồi ký “Khi bức màn nhung khép lại” chứa đựng nhiều tình tiết éo le, nhiều pha gay cấn, của chặng đường gắn bó với nghề sáng tác và sống với nghệ sĩ trên các nẽo đường lưu diễn của các gánh cải lương Nam bộ thời xưa.
Tang lễ của soạn giả Trần Hà được tiến hành tại nhà riêng (38/24 Trần Khắc Trân, phường Tân Định, quận 1, TP HCM). Lễ nhập quan lúc 13 giờ ngày 21-1, lễ động quan lúc 7 giờ ngày 23-1, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP HCM.
Bình luận (0)