"Mộng Hoa Vương" là một trong những vở cải lương nổi tiếng của cố soạn giả Trần Hữu Trang vào thập niên 50 của thế kỷ XX. Nội dung kịch bản xoay quanh mối tình giữa nữ vương Mộng Hoa với sứ thần và một võ tướng. Trái tim của nữ vương đã trao trọn cho sứ thần, điều này làm tan nát trái tim của một võ tướng và là nguồn cơn của những biến cố trong cuộc đời người phụ nữ đầy quyền uy. Hai đạo diễn Huỳnh Mai - Quốc Kiệt đã mang lại cho khán giả những cảm xúc mới mẻ về một tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa đến người xem với thông điệp: trung nghĩa, tiết hạnh.
Cảnh trong vở “Mộng Hoa Vương” - bản dựng của đạo diễn Huỳnh Mai - Quốc Kiệt Ảnh: NGUYỄN THU
Trước khi tái dựng, kịch bản gốc đã được soạn giả Việt Thường - con trai út của cố tác giả Trần Hữu Trang - chỉnh lý, biên tập lại để gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại và nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. Ông Việt Thường cho biết: "Đoàn Phụng Hảo của NSND Phùng Há diễn vở này tại rạp Kim Phụng, đó là năm 1948, vở diễn lúc đó mang tên "Một đêm trăng trong Ngự Uyển". Nhờ vào uy tín của vở diễn mà cha tôi đã cùng NSND Phùng Há thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu. "Mộng Hoa Vương" vì thế mang nhiều ý nghĩa. Vở diễn là khuôn mẫu cho thế hệ diễn viên trẻ noi theo trong ca diễn. Văn phong, câu thoại, ý thơ dào dạt cảm xúc, tính cách các vai diễn được chuyển đổi với nhiều cung bậc tình cảm là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo".
Đạo diễn Huỳnh Mai cho biết: "Kịch bản "Mộng Hoa Vương" có rất nhiều bài bản hay, không dễ gì tìm thấy trong những vở cải lương sáng tác hiện nay. Tuy nhiên, đây lại là những bài bản rất khó, đòi hỏi mỗi diễn viên phải tập trung cao độ và tập luyện nghiêm túc. Do vậy, dù rất hào hứng với vở diễn đầu tiên của tác giả Trần Hữu Trang trên sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhưng chúng tôi có rất nhiều áp lực. Đội ngũ diễn viên trẻ của nhà hát cũng đã vượt qua, tạo được vị thế mới cho lần xuất hiện sau gần 4 năm chờ đợi sân khấu rạp Hưng Đạo sáng đèn".
Quả thật, ở bản dựng mới này, các nghệ sĩ trẻ của Đoàn 3 Nhà hát Trần Hữu Trang như: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm...đã diễn thật xuất sắc. Họ tự tin hóa thân vào nhân vật, một phần cũng vì niềm tự hào về một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa của tiền nhân đã góp phần khai sáng bộ môn nghệ thuật này.
Bình luận (0)