Đây là những chương trình có định dạng buộc thí sinh tranh tài bắt chước sao cho giống nhất một gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới và trong nước về giọng hát, phong cách trình diễn, vẻ bề ngoài… Phiên bản nào càng giống với nguyên bản nhất càng đạt điểm cao.
Thanh Duy phiên bản ca sĩ Lệ Quyên trong chương trình Gương mặt thân quen 2015. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Giả dạng hay nhái giọng, phong cách trình diễn một nghệ sĩ nào đó để làm thành tiết mục trình diễn được các danh hài thực hiện nhiều năm trước đó, trở thành những tiết mục rất ăn khách nhưng hầu như bị phản đối nhiều từ các nguyên bản vì tính chất đùa cợt của các phiên bản nhằm tạo tiếng cười cho khán giả.
Khi Gương mặt thân quen lên sóng truyền hình, công chúng thấy lạ và thích thú hơn bởi các tiết mục bắt chước người nổi tiếng trong chương trình được dàn dựng nghiêm túc, không mang tính đùa cợt như các diễn viên hài đã làm trên sàn diễn. Nghệ sĩ nguyên bản cũng thấy tự hào vì mình có dấu ấn trong lòng công chúng nên mới trở thành nhân vật mẫu của chương trình.
Không biết thực hư thế nào nhưng theo báo chí trong nước đưa tin, ca sĩ Shakira sau khi xem clip ca sĩ Vy Oanh bắt chước mình trình diễn ca khúc La La La trong chương trình Gương mặt thân quen mùa trước đã viết trên trang cá nhân: “La La La phong cách Việt Nam, thật đáng yêu”.
Các nghệ sĩ tham gia chương trình với vai trò thí sinh cũng bị cuốn hút bởi đây là cơ hội được quảng bá bản thân và khai thác tài bắt chước của mình. Có những cái tên ít ai biết đến, chật vật kiếm sô diễn nhưng qua chương trình này, được đông đảo khán giả chương trình biết đến, báo chí và truyền thông đề cập nhiều, thậm chí có người nổi lên trở thành sao.
Vì lợi hại như vậy nên Gương mặt thân quen không chỉ giới hạn trong suy nghĩ ban đầu của mọi người là giải trí mua vui mà còn được xem đây là nơi phát hiện tài năng sáng tạo. Cứ nghe những lời nhận xét có cánh dành cho thí sinh hằng đêm của các vị giám khảo chương trình, của người dẫn chương trình và của giới truyền thông, khán giả dễ lầm tưởng đó là những tài năng nghệ thuật xuất chúng.
Trong giới chuyên môn có người không quan tâm vì đó là chương trình truyền hình giải trí có định dạng như vậy nên phải chấp nhận nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại vì công chúng đang bị đánh tráo khái niệm giữa giải trí và nghệ thuật. Và một khi sự đánh tráo ấy kéo dài, lặp đi lặp lại, một bộ phận công chúng sẽ nhận thức sai lệch, không phân định được đâu là sáng tạo nghệ thuật, đâu là trò giải trí mua vui thì hết sức nguy hiểm.
Giao lưu với khán giả của Gương mặt thân quen 2015, ca sĩ Lam Trường với tư cách khách mời của chương trình nói: “Trường đã theo dõi chương trình này từ năm đầu tiên, phần vì thích thú, phần vì cũng tò mò muốn xem tài năng hóa thân của các thí sinh. Nhìn thấy sự tâm huyết với nghề nghiệp của các anh chị em nghệ sĩ, mình cảm thấy nể phục lắm”.
Ngày trước, trò bắt chước trình diễn để mua vui này của các danh hài chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ hẹp là sàn diễn nhưng bây giờ là trên sóng VTV3 - nơi được bảo chứng bởi vị thế, uy tín, thậm chí có ý nghĩa định hướng của đài truyền hình quốc gia, nên những gì diễn ra ở đó, những lời nhận xét của người có chuyên môn càng có sức ảnh hưởng lớn đến nhận thức của người xem.
Trong nghệ thuật, bắt chước người khác là điều tối kỵ, dù khả năng bắt chước của họ giỏi đến đâu. Bản sao nghệ thuật lâu nay không được công chúng đón nhận và coi trọng. Nhìn lại những thế hệ nghệ sĩ của Việt Nam, chúng ta thấy những ca sĩ tên tuổi, những ngôi sao sân khấu đều có chất giọng, phong cách diễn rất đặc trưng, ít ai giống hay lẫn vào ai. Vì vậy, dù đã qua đời hay không còn sức đứng trên sân khấu, họ vẫn luôn được công chúng và người trong giới nhắc nhớ, nể phục và ca tụng.
Nếu diễn bắt chước một gương mặt nổi tiếng, dù có đạt đến mức nào mà được ca tụng là “có khả năng sáng tạo tuyệt vời”, là “tâm huyết với nghề nghiệp” thì đó là những đánh giá, nhận định có hại không chỉ cho công chúng trẻ mà còn cho chính thí sinh tham gia chương trình, nhất là thí sinh nhí.
Bình luận (0)