Diễn viên có muôn kiểu tạo hình nhân vật trên phim nhưng hiếm hoi lắm phim Việt mới có những tạo hình nhân vật ấn tượng đặc biệt, làm khán giả nhớ như Thị Nở (phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của nghệ sĩ Đức Lưu), Huyền Diệu (phim “Cô gái xấu xí” của Ngọc Hiệp), Phụng (phim “Gọi giấc mơ về” của Minh Hằng), Trần tướng quân (phim Thiên mệnh anh hùng của Khương Ngọc)... Nhiều tạo hình nhân vật trên phim Việt hiện nay không những không làm nổi bật được tính cách, số phận, hoàn cảnh của nhân vật trong phim mà đôi khi còn mắc những lỗi ngớ ngẩn.
Nhân vật “kiểu mẫu”
Hiện nay, các phim truyền hình Việt là đã hình thành nên những nhân vật “kiểu mẫu” rất nhàm chán. Tất nhiên lỗi ở kịch bản một phần khi xây dựng hình tượng nhân vật giống nhau, không có gì nổi bật. Song, ngay cả khi nhân vật được khai thác ở nhiều tính cách, số phận khác nhau thì tạo hình cũng na ná nhau. Không khó để nhận thấy những diễn viên nữ chuyên trị vai hiền lành, cam chịu như Nguyệt Ánh, Lê Phương... hay những diễn viên chuyên trị vai phản diện như Cao Minh Đạt, Huy Khánh, Kim Oanh... phim nào cũng xuất hiện với tạo hình tương tự. Từ trang phục, tóc tai, cách trang điểm... không có sự khác biệt quá lớn. Một diễn viên xuất hiện trong vài ba phim với tạo hình nhân vật tương tự nhau là điều thường xuyên. Họ thường bê nguyên kiểu tóc, trang phục từ phim này qua phim kia.
Đạo diễn Võ Việt Hùng cho rằng tuy kịch bản xây dựng nhân vật có tính cách gần giống nhau nhưng khi phác họa tạo hình trên phim sẽ không thể giống nhau một cách rập khuôn. Vẫn là cô gái nghèo, hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng mỗi nhân vật sẽ có một số phận khác nhau, tính cách khác nhau. Thậm chí, nếu số phận có na ná nhau thì vẫn có cách tạo hình nhân vật khác đi, chỉ cần thay đổi nhỏ cũng tạo ra sự khác biệt, chứ không thể bê nguyên xi từ phim này sang phim khác. Hơn nữa, những tạo hình quá đơn giản, rập khuôn này chưa làm bật lên được tính cách của nhân vật. “Một cô gái nhà quê hiền lành và một cô gái nhà quê bướng bỉnh không thể nào cùng kiểu tóc, cùng cách trang điểm, cùng trang phục được. Khi tạo hình nhân vật y chang nhau như vậy, tính cách mỗi người sẽ không bật lên dù diễn xuất có tốt đến đâu đi nữa” - đạo diễn Võ Việt Hùng phân tích thêm.
Phụ nữ ở nông thôn nhưng sơn móng tay móng chân, khi đi ngủ hay bệnh vẫn mặt hoa da phấn, má đỏ môi son, tóc tai xịt keo cầu kỳ... là những lỗi sơ đẳng trong khâu tạo hình nhân vật. Cách làm này khiến khán giả ngán ngẩm khi xem nhiều bộ phim Việt. Đóng vai nghèo mà ăn mặc chải chuốt, bảnh bao; thậm chí mặc chiếc áo vá nhưng mới toanh đã làm mất tính chân thực của phim. “Phim Việt lâu nay vẫn rất yếu và cẩu thả với việc tạo hình cho vai diễn” - một đạo diễn bức xúc.
Diễn xuất quan trọng nhưng tạo hình cũng quan trọng không kém, góp phần không nhỏ vào sự thành công của bộ phim. Câu chuyện hay nhưng tạo hình nhân vật không ấn tượng hoặc không phù hợp cũng khiến phim không thu hút, thậm chí phản cảm, bị khán giả phản ứng.
Không thể chuyên nghiệp
Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, trước khi phim bấm máy, phần tiền kỳ được chuẩn bị rất chu đáo, trong đó tất nhiên có việc tạo hình cho nhân vật. Ở nước ta, với kinh phí làm phim thấp và tốc độ làm phim nhanh như hiện nay, việc có được bộ phận chuyên làm công việc tạo hình nhân vật là không thể. Theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền, hiện nay, một số đoàn phim thường có một buổi họp mặt giữa đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất, họa sĩ thiết kế để định trang. Khi định trang sẽ có khâu tạo hình nhân vật. “Công việc tạo hình nhân vật không của riêng ai mà tất cả bộ phận như đạo diễn, nhà sản xuất, họa sĩ thiết kế, hóa trang... cùng bàn bạc để hoàn thiện nhân vật từ ăn mặc cho đến tóc tai. Đạo diễn là người quyết định sau cùng” - đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết.
Dù vậy, chỉ một số hãng phim lớn mới làm thường xuyên công việc này. Theo nhận định của một đạo diễn, khâu tạo hình nhân vật như vậy vẫn thiếu chuyên nghiệp. Bởi khi bàn bạc với nhau, mỗi người sẽ hình dung trong đầu một tạo hình nhân vật khác nhau. Đáng lý ra, trong tạo hình nhân vật phải có khâu phác thảo nhân vật trên giấy. Cách làm này không mới trên thế giới nhưng ở Việt Nam, hầu như chỉ có vài phim điện ảnh áp dụng, phim truyền hình hầu như không. “Đây là khâu rất cần thiết. Bởi khi thấy hình ảnh thì mọi người mới hình dung ra nhân vật một cách cụ thể. Ví dụ như thống nhất là nhân vật A đầu hói, mù mắt nhưng thực tế có rất nhiều kiểu đầu hói, mù mắt khác nhau” - chuyên gia hóa trang Lilian Trần giải thích. Trong các phim mà Lilian Trần tham gia với tư cách chuyên gia hóa trang, cô thường làm nhiệm vụ vẽ một loạt phác thảo nhân vật rồi đưa cho đạo diễn quyết định.
Hiện nay không ít đoàn phim còn coi nhẹ khâu tạo hình nhân vật. Theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền, các bộ phận như họa sĩ thiết kế, hóa trang đóng vai trò quan trọng trong khâu này nhưng đa phần họ quá nghiệp dư, không có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm. “Khi đó, diễn viên sẽ tự ý tạo hình nhân vật theo ý thích. Có quần áo gì mặc nấy, muốn tóc tai, trang điểm nào tùy thích. Làm phim kiểu như vậy thì làm sao hay được. Kinh phí thấp là một chuyện nhưng sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp là chuyện đáng quan tâm”- đạo diễn Võ Việt Hùng đúc kết.
Mỹ: Có cả ê-kíp lo tạo hình
Theo chuyên gia hóa trang Lilian Trần, ở Mỹ có một bộ máy gồm nhiều người để làm công việc tạo hình cho nhân vật. Với những nhân vật chính, phức tạp, khâu này được chuẩn bị khá lâu trước khi phim bấm máy. Chẳng hạn, nhân vật Silver Surfer trong “Fantastic 4: The Rise of Silver Surfer”, sau khi trao đổi với đạo diễn, người đứng đầu tổ hóa trang sẽ phác thảo nhiều bản tạo hình. Sau đó, người làm maquette sẽ tạc tượng 3D cho đạo diễn hình dung nhân vật. Khi chọn được tạo hình chuẩn, sẽ có một bộ phận chuyên nặn tượng và làm khuôn; bộ phận đổ các miếng silicon hay chất liệu đặc biệt; bộ phận sơn, vẽ, làm màu trên silicon; cuối cùng sẽ thử tạo hình này với diễn viên xem có phù hợp không.
Bình luận (0)