Nhiều người trong giới văn chương, thi phú đã xôn xao khi báo chí đăng tải một nhà làm sách vừa họp báo công bố mua bản quyền tập thơ thiếu nhi đầu tay “Quà cho con” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng với giá 500 triệu đồng. Nhiều người tự hỏi liệu có phải thơ đang lên ngôi hay đây là chiêu PR của đơn vị làm sách và tác giả?
“Có tập đoàn định mua 2 tỉ đồng”?
Tập thơ được giới thiệu rất kêu trên bìa 4 là “100 bài thơ mộc mạc, 100 kỹ năng để đời, gửi con bài học làm người, cho con quà tặng muôn lời yêu thương”. Tại buổi họp báo ra mắt tập thơ ở Hà Nội, nhà sản xuất đã đánh giá: “Quà cho con” là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam”.
Tác giả Nguyễn Huy Hoàng, hiện là thư ký của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, “tiết lộ” rằng có tập đoàn lớn ban đầu định mua bản quyền “Quà cho con” với giá 3 tỉ đồng, sau đó đã tổ chức họp hội đồng quản trị 3 lần, thương lượng trả giá 2 tỉ đồng nhưng với điều kiện họ được toàn quyền làm gì thì làm với 100 bài thơ.
“Hình như họ mua để kinh doanh. Có thể họ sẽ chế lời thơ để phục vụ mục đích quảng cáo hoặc đòi cho chủ tịch hội đồng quản trị đứng tên đồng tác giả. Tôi thấy việc này không hợp lý vì thơ tôi không thể làm như thế. Mục tiêu của tôi không hẳn vì tiền mà muốn phổ biến những bài thơ này ra cộng đồng. Tôi khổ từ bé nên muốn cho các cháu vùng cao, vùng sâu, vùng xa… có điều kiện khó khăn được đọc” - ông Hoàng phát biểu.
Bìa tập thơ bán bản quyền giá 500 triệu đồng
Tập thơ đầu tay được tới 7 gương mặt của nhiều giới cùng trân trọng giới thiệu ở đầu sách, có diễn giả, diễn viên, họa sĩ, nhà thơ, nhà giáo và cả nhà sư. Đây cũng là tập thơ đạt kỷ lục về độ dài của lời cám ơn ở cuối sách. Số người mà tác giả cám ơn chỉ liệt kê thôi đã tốn mất 2 trang giấy, dù trước đó đã có phần tỏ bày viết ở đầu sách.
Có nguồn tin cho biết “15 doanh nghiệp xin được tài trợ cho tập thơ này”. Trước khi in tập sách, tác giả Nguyễn Huy Hoàng chưa hề nổi danh trong làng thơ ca Việt, tác phẩm của ông mới chỉ đăng tải trên trang Facebook cá nhân.
Thơ hay khẩu hiệu có vần?
Theo bà Nguyễn Kim Thoa - đại diện Công ty Tân Việt, đơn vị mua bản quyền tập thơ “Quà cho con” - tác giả Nguyễn Huy Hoàng thực nhận 500 triệu đồng, công ty giữ lại 50 triệu đồng để đóng thuế.
Đầu tư 500 triệu đồng để ấn bản 10.000 cuốn thơ. Với giá bìa 89.000 đồng, số lượng in là 10.000 bản, doanh số là 890 triệu đồng. Trừ phí phát hành sách (thường là 50%, các trường hợp đặc biệt như thơ có thể tính cao hơn), nếu bán hết, nhà sản xuất chỉ thu được 445 triệu đồng, chưa kể chi phí in ấn, quảng cáo... (theo người trong giới làm sách, chi phí in ấn, đóng xén 10.000 cuốn sách khổ 15x15, 148 trang lên tới hơn 100 triệu đồng). Với giá tập thơ cao như vậy, khả năng bán hết 10.000 cuốn là khó thể. Chỉ tính sơ qua đã thấy đây không phải là bài toán kinh doanh hợp lý.
Sau những chiêu thức quảng cáo, những bài báo “đượm mùi” PR, những cụm từ tung hô hào nhoáng, thậm chí có cả những tranh luận của các nhà thơ vào cuộc bảo vệ “hiện tượng” thơ bán được bản quyền tới 500 triệu đồng, thực chất là gì?
Đọc xong, mỗi người sẽ có cảm nhận của riêng mình về “tập thơ” đầu tay giá “khủng” này nhưng một số nhà thơ, nhà phê bình đã lên tiếng cho rằng không thể gọi đó là thơ mà phải là khẩu hiệu có vần. Có người còn bảo nếu làm thơ như thế ai cũng có thể làm được và có cơ hội làm giàu!
Một số bài thơ trích trong tập “Quà cho con”
Đúng giờ
Đừng để ai phải đợi chờ
Nên ta luôn phải đúng giờ mỗi khi
Đừng đưa ra lý do gì
Chậm giờ là một hành vi coi thường
Trừ trường hợp bị tắc đường
Hoặc là sự cố bất thường xảy ra
Uống sữa hằng ngày
Không sữa vẫn sống bình thường
Có sữa thì sẽ chắc xương khỏe người
Sữa bột cùng với sữa tươi
Mỗi ngày một chút đừng lười nghe con
Việt Nam nhiều loại sữa ngon
Sử dụng hợp lý thì còn hơn Tây
Con nên uống sữa hằng ngày
Nhẹ nhàng kẻo đổ ra tay, ra người…
Việc học
Có người không học vẫn giầu
Có người học mãi mà đầu chửa thông
Vậy thì có cần học không
Hay là cũng chỉ viển vông, hão huyền?
Học, học, học… đó là quyền
Cho ta thêm đẹp, nhiều duyên, thành tài
Tinh thông, biết đúng, biết sai
Tự tin, sống tốt, không ai coi thường
Tiết kiệm
Thứ nhất là kiệm thời giờ
Thứ hai kiệm sức, thứ ba kiệm tiền
Kiệm điện, kiệm nước đương nhiên
Tránh đồ xa xỉ, ưu tiên hàng đầu…
Kiệm để nước mạnh dân giầu
Kiệm để không bị tụt sau dài dài
Kiệm để không bị phí hoài
Kiệm để biến lúa, sắn, khoai… thành vàng.
Chịu đựng và hy sinh
Khó khăn là chuyện bình thường
Như xe đang chạy gặp đường mấp mô
Dòng đời gian khổ đẩy xô
Thường tình như thể Thủ đô tắc đường
Chịu đựng để luyện kiên cường
Hy sinh để thấm tình thương vơi đầy…
Bình luận (0)