Trên nền câu chuyện là những pha hành động nghẹt thở, kịch tính và những khoảnh khắc đối mặt, tâm lý căng thẳng. Khung hình đậm chất điện ảnh cùng những góc máy dài ấn tượng, diễn xuất của các “ngôi sao” điện ảnh không có gì phải bàn cãi nhưng vấn đề chính của Truy sát nằm ở “thách thức” cảm nhận của khán giả.
Quá nhiều khoảnh khắc đối thoại với cường độ tâm lý căng thẳng ở tần suất cao, kéo dài khiến không ít khán giả ta thán: “Buồn ngủ!” - điều chẳng nên có đối với một bộ phim hành động. Thêm vào đó, nhân vật Johnny vì lòng thù hận mà bắn giết người vô tội vạ. Ngoài Johnny, xuất thân của một số nhân vật “cố tỏ ra bí hiểm” cũng không được lý giải một cách thỏa đáng. Kịch tính thoạt như được đẩy lên đỉnh điểm nhưng thực chất là được xử lý theo kiểu “ép” người xem phải chấp nhận đó là một kết cục cần thiết, dù khó hiểu.
Bối cảnh được quay hầu hết trên đất Thái, lối sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt ở khu đèn đỏ, được thể hiện trên phim không giấu giếm. Đạo diễn Wych Kaosayananda nói: “Tôi không cố sáng tạo ra hay che giấu những gì đang tồn tại trên đất Thái mà chỉ muốn cho khán giả biết mọi thứ là sự thật”.
Lối sống của một bộ phận giới trẻ trên đất nước nổi tiếng với “công nghiệp tình dục” được phơi bày trên phim. Tuy nhiên, để cho một người cha từ Việt Nam sang truy tìm hung thủ sát hại con gái và trở thành kẻ giết người máu lạnh trên đất Thái thì quả là một “mạo hiểm khó lý giải”.
Nếu không có sự tham gia của diễn viên Dustin Nguyễn, có thể Truy sát sẽ bị trộn lẫn trong nhiều bộ phim công chiếu cùng thời điểm. Phải nhìn nhận một cách chân xác nhất, Truy sát đầy kịch tính, hấp dẫn, đúng nghĩa là một tác phẩm điện ảnh hành động đủ sức thu hút nhưng vẫn chưa thật sự thuyết phục.
Bình luận (0)