Nghệ sĩ Hoài Linh hóa trang nhân vật trong hậu trường sân khấu Trống Đồng tối 8-1
“Trải qua tuổi trẻ cơ cực, khắc nghiệt nên tôi có được vốn sống kha khá và lúc nào cũng muốn đưa vào các tiểu phẩm kịch những câu chuyện, tình huốn tréo ngoe mình thu thập, lượm lặt trên đường mưu sinh” – danh hài tâm sự.
Hoài Linh nói thêm nhờ có cái thời đi bán bắp luộc, mía ghim ở bến xe Dầu Giây mà anh có được sự trải nghiệm, để bây giờ mang chúng ra sàn diễn, phim trường ứng biến cho mỗi số phận nhân vật.
Hoài Linh đặt lẵng hoa của Việt Hương chúc mừng liveshow bên cạnh bàn thờ của cố nghệ sĩ Hữu Lộc tối 8-1 tại hậu trường sân khấu Trống Đồng.
Hiếm khi chịu nói về mình, nhất là những tật xấu, thế mà trong hậu trường Anh chàng may mắn, Hoài Linh lại nói nhiều và cả nghe đồng nghiệp, anh em nói về những tật xấu của mình, không ngại ngần. “Ai cũng muốn xóa chúng đi nhưng riêng tôi muốn nhìn thấy cái xấu của mình để hoàn thiện bản thân hơn trong công việc và cuộc sống”-danh hài này bộc bạch.
Nghệ sĩ hài Nhật Cường vội kể rằng anh Bốn (tên bạn bè thường gọi Hoài Linh) phải "nạp" năng lượng ngay để có sức làm việc. Hoài Linh ghét đi ăn đám tiệc ngồi chờ dọn món, với anh đó là một cực hình. Cho nên, anh cứ bún riêu, phở, mì gói…làm tới. Nhưng các món đó phải có nước dùng (nước lèo) thiệt nóng, ăn no bụng và cày công việc đến tận khuya.
Ca sĩ Dương Triệu Vũ tại sân khấu Trống Đồng tối 8-1
Ca sĩ Dương Triệu Vũ kể thêm trong hậu trường: “Anh Bốn của tôi còn một tật nữa là ngủ mà nghe tiếng ồn, dù nhỏ xíu là tỉnh ngay. Chuyện này rất khổ khi đi lưu diễn đi chung với nghệ sĩ Chí Tài. Chí Tài có tật ngủ ngáy rất to, âm lượng cứ kéo dài, rồi nhỏ dần cho đến lúc gần như tắt hẳn.
Ban đầu, anh Bốn quan sát, sợ anh ấy sẽ tắt thở vì đang ngáy kéo dài sao tự dưng tắt lịm. Có lần, anh Bốn sợ nên lay Chí Tài dậy kể lại. Anh Chí Tài không ngạc nhiên mà còn cười “kệ anh nha, Bốn đừng có kêu anh!”. Thế là sau này mỗi khi đi bay sô sang Mỹ, Úc, Canada…anh Bốn không bao giờ ngồi cạnh ghế với anh Chí Tài, kể cả ngủ chung khách sạn cũng yêu cầu khác phòng vì sợ tiếng ngáy”.
Nhật Cường và Hoài Linh trong hậu trường sân khấu Trống Đồng tối 8-1
Trước khi ra sân khấu diễn, Hoài Linh nói thêm: “Thời mới vào nghề, tôi được NSND-đạo diễn Trần Ngọc Giàu dạy đóng vai Trạng Quỳnh trong vở Trạng chết chúa băng hà. Do tôi không biết cách lột tả tâm lý nhân vật nên cứ để kiểu diễn hài thường ngày lôi đi, thế là bị thầy la: “Em cứ diễn cái kiểu này đâu có ra nhân vật, mà chỉ là Hoài Linh!”.
Về nhà nằm suy nghĩ, cố gắng tìm cách diễn cho ra nhân vật Trạng Quỳnh... Tôi nhớ má Kim Ngọc lúc đó chọc: “Làm diễn viên đâu có dễ và ai cũng làm được đâu con!”. Từ những lời nói của các cô chú đi trước, tôi phấn đấu dẹp cái tật diễn cù nhây, cù nhưa của tấu hài, để thâm nhập vào số phận nhân vật. Tôi nhớ mãi bí quyết mà NSND Ngọc Giàu dạy: "Hãy nghĩ ngày mai là tết, để dẹp hết chuyện buồn, lên sân khấu mình không để bất cứ chuyện gì phân tâm”.
Trả lời câu hỏi, sau một năm làm việc, anh thấy mình thành công nhất về mặt nào? Hoài Linh thành thật: “Tôi được tham gia đóng nhiều phim, giá cát-sê lên đến 1 tỉ đồng độc quyền cho một bộ phim tết. Sự yêu mến của công chúng đã cổ vũ, cho tôi ước nguyện được gắn bó lâu dài với nghệ thuật". Danh hài này còn nói rằng với anh cha mẹ, gia đình, người thân là mùa xuân vĩnh cửu.
Hoài Linh, Chí Tài và Vũ Văn Long trên sân khấu
Bình luận (0)