15 tuổi, chống chọi với đời
Năm 1948, ông nội đưa tôi lên Sài Gòn theo gánh hát Phụng Hảo của má Bảy Phùng Há. Ba tôi đờn kìm ở gánh hát này nên hàng đêm tôi được ngồi trong cánh gà xem hát. Phải nói gánh Phụng Hảo là ngôi trường dạy nghề đầu tiên trong đời đi hát của tôi. Nơi đây đã hình thành trong tôi phong cách diễn xuất và qua nét diễn, cách ca của các bậc tiền bối, tôi đã định hướng cho nghề biết bao điều hay. Và tiếng đờn kìm của ba tôi đã gieo vào lòng tôi niềm đam mê sân khấu. Khi ông nội tôi qua đời, tôi chính thức vào nghề. Hai năm sau, một mình tôi - thằng nhỏ 15 tuổi - bắt đầu chống chọi với đời. Ba tôi mất cũng tại Sa Đéc, mộ chôn gần kề ông bà nội. Tôi không quên những lời dạy chân tình của ba: “Đường làm nghề nhất nghệ tinh, phải ráng học hỏi, đừng ham chơi. Có sự nghiệp rồi hẳn cưới vợ’’. Lời dạy đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đượm biết bao điều. Cách đây hai năm, khi bước vào thiên niên kỷ mới, vợ tôi đã nhắc “anh phải làm mồ mả ông bà và ba má, không thể để mả đất trơ trọi giữa đồng không như vậy ‘’. Hồi còn sống, ba tôi có nói: ‘’Làm gì thì làm, khi chết được nằm trên mảnh đất sau nhà là điều hạnh phúc”. Tôi đã thực hiện được ý nguyện của ba tôi, một cánh chim mòn mỏi, ngày trở về rủ sắc trên mảnh đất quê nhà.
Nghề hát là đạo, là đời
Hôm tôi lên chùa Nghệ Sĩ thăm má Bảy Phùng Há và mời bà đi xem chương trình chuyên đề của tôi do HTV và Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức, bà cầm tay tôi cười: “Mới đó đã 50 năm rồi. Nghề hát là đạo, là đời, người nghệ sĩ cần phải sống mẫu mực’’. Tôi vui lắm và nhớ lại biết bao kỷ niệm khi còn là học trò của bà, của bác Năm Châu, ba nuôi Điêu Huyền.
Tên tôi do soạn giả Nguyễn Huỳnh đặt. Ông lấy tên ba tôi gắn với chữ Lang, có nghĩa là “thằng Diệp con”. Chứ tên thật của tôi là Dương Công Thuấn, cái tên mà ông nội tôi vì mê Sử ký Tư Mã Thiên đã đặt tên cháu là vua Nghiêu, vua Thuấn. Ông mong muốn đời tôi sẽ sung sướng như vua. Và nghiệp hát cũng đã nhiều lần cho tôi khoác áo hoàng đế, để rồi khi cánh màn nhung khép lại ngẫm nghĩ chuyện thăng trầm dâu bể như tự răn mình phải sống đẹp hơn. Có biết bao vai diễn cho tôi bài học kinh nghiệm ở đời...
50 năm, một chữ tình
Nhìn lại hành trang 50 năm theo nghề hát của tôi, có quá nhiều điều để nói, nhưng một chữ tình mà nghiệp nghệ sĩ không thể nào quên là tình cảm mà công chúng dành cho mình. Tôi trân trọng điều đó cũng như tôi biết dưới suối vàng ông bà nội, ba má tôi cũng mừng cho những thành công của “thằng hai’’...
Chính vì nghĩ về xứ sở quê hương, nghĩ về tình thương của gia đình và của công chúng nuôi lớn một nghệ sĩ, tôi đã đặt cho con trai mình cái tên Bình Tiên, nhắc nhở nó luôn nhớ về nơi đã sinh ra ông nội, ba và cho cuộc đời của ba nó một khối tình quá lớn...
Bình luận (0)