Tưởng như hình ảnh ông già khắc bút dạo ngồi trước cổng trường chờ lũ học sinh tan học chỉ còn trong quá khứ. Nhưng ngay đền bà Kiệu, một góc nhỏ của hồ Gươm vẫn còn đó người khắc bút. Ông là Lê Văn Quý nay đã 70 tuổi.
Tấm biển ''khắc bút'' khiêm tốn treo ngang thân một cây cổ thụ. Ngày mưa gió ông cũng chẳng buồn treo lên. Nó phải tọa ở vị trí thấp, ngang tầm mắt người bộ hành, chủ yếu là để khách Tây... dễ thấy. Đó là cách quảng cáo không phô trương nhưng rất hợp lý của ông. Đồ nghề của ông chỉ có mỗi cây bút sắt bỏ túi. Còn khoảnh khắc sáng tạo cũng vỏn vẹn chưa đầy 3 phút.
Vào những năm 80 (khi mà nghề này còn thịnh vượng), cứ chỗ nào xúm xít lũ trẻ là y như rằng ở đó có ông già đương mải mê khắc bút. Bút Hồng Hà, Kim tinh... trẻ con cứ tròn xoe mắt trước hình ảnh ngôi trường của mình phút chốc đã nằm gọn trên thân bút. Câu chuyện của ông Quý kéo nhanh về thời gian chiến tranh. Hồi đó cây bút là kỷ vật có giá trị, là cớ để ghi lại những kỷ niệm đẹp của các chàng trai, cô gái Hà thành. Họ mượn những hình ảnh khắc trên đó để tỏ tình. Ông còn nhớ sự hồ hởi của một chàng trai trước ngày nhập ngũ, nóng lòng đợi được khắc lên bút dòng chữ “Kỷ niệm”. Có những đôi còn đạp xe từ ngoại thành vào chỉ cốt khắc cho được hai chữ ''thủy chung", đôi trái tim lồng nhau như là bằng chứng cho tình yêu sắt đá.
Khách hàng quen thuộc của ông bây giờ là khách Tây, lưu luyến cảnh hồ Gươm, chùa Một Cột... vội chìa cái bật lửa Zippo, cái bút máy Parker cho ông trổ tài. Khắc mỗi một cái bút chỉ khoảng 2.000 đồng. Thi thoảng ông cũng có đơn đặt hàng của một tour nào đó, một cuộc hội họp nào đó yêu cầu viết lên tranh sơn mài vài dòng chữ đơn giản. Mỗi bức tranh như thế ông kiếm được 20.000 đồng. Nhưng du khách nhớ nhất là những hình ảnh di tích, thắng cảnh Hà Nội sinh động, biết nói dưới bàn tay chai sạn của ông. Ông hồ hởi khoe với tôi rằng mới đây có một gia đình tìm tới cảm ơn ông vì chiếc bút khắc mà gia đình này tìm lại được cậu con trai tử trận sau mấy chục năm tìm kiếm vô vọng. Rồi những bức thư, món quà kỷ niệm của những du khách khi đã trở về nước gửi cho ông, vì họ không chỉ ấn tượng với nghệ thuật khắc bút của ông mà còn vì sự nhớ nhung hình ảnh ông già khắc bút tọa bên hồ Gươm chính là một thoáng Hà Nội.
Cùng cảnh vàng son một thuở như nghề khắc bút là nghề truyền thần. Nghề này tập trung chủ yếu ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, nhưng ''cổ'' nhất vẫn là cửa hàng 24 Hàng Đường. Ông chủ là con út của cụ Trần Sỹ Nghệ nổi tiếng một thời. Mấy năm gần đây bị công nghệ ảnh photoshop ''đánh dạt'', vì vậy cả gia đình truyền thần có tiếng này đã phân chia mỗi người một nghề kiếm sống, chỉ còn lại cậu con út giữ nghề - anh Trần Thịnh. Anh Thịnh giải thích, nghề này không ngồi được nhiều. Vả lại cũng không có nhiều khách như trước nên khá thong dong. Nhiều chủ hàng chuyển sang vẽ thiếu nữ dân tộc thiểu số Việt Nam. Các ''thợ vẽ" nắm bắt được sở thích của khách du lịch nước ngoài thường mua tranh làm kỷ niệm nên dành phần lớn thời gian cho các bức vẽ này. Nghề truyền thần càng vẽ càng say, đã xác định sống bằng nghề, không ai dám chểnh mảng. Giá mỗi bức tranh này chừng 400.000-500.000 đồng, bởi vậy các ông chủ truyền thần vẫn thư thả với nghề dù sống không dư dả lắm.
Thời khốn đốn của truyền thần có lẽ cũng sắp qua, anh Thịnh quả quyết như thế. Bây giờ mốt ngồi hàng tiếng để được vẽ như cách chơi của những nhà giàu xưa đã quay trở lại. Thậm Chí, nhiều đôi bạn trẻ còn yêu cầu vẽ lại cả ảnh cưới của mình như một cách lưu giữ kỷ niệm độc đáo. Cũng có những du khách chỉ chờ chụp ảnh xong là đem vào cho anh vẽ lại. Ảnh truyền thần giữ được khá lâu, khoảng 70 năm. Điểm vượt trội mà những người chung thủy với nó nhận xét là ảnh có hồn, không dại dại như ảnh kỹ thuật số. Tất nhiên cũng phải là những tay thợ vẽ giỏi. Nghề có tín hiệu hồi sinh, vợ chồng anh Thịnh đang tính sẽ đào tạo một lớp kế cận, nếu không sẽ mất nghề gia truyền, mất một điểm ghé chân của du khách ngay cạnh hồ Gươm.
Có lẽ nghề còn thịnh nhất cho đến nay là nghề thêu tại phố Hàng Trống. Nghề thêu của người Hà Nội gần với ngôi đình Tú Thị (Hàng Gai), nơi buôn bán, trao đổi các mặt hàng thêu ngày xưa. Đình nay vẫn còn nhưng nghề thêu của làng Yên Thái - một làng xưa nằm trong khu vực phố Hà Nội cổ thì nay không còn nữa. Các cửa hàng bán đồ thêu hiện nay đều là sản phẩm của người Quất Động (Hà Tây) lên lập nghề. Khi qua những cửa hàng bán tranh thêu nhộn nhịp khách Tây vào ra, nhiều người lại thầm nghĩ tới một nghề cổ đang dần lụi tàn cách đó không xa, là nghề sản xuất sơn ta ở phố Hàng Hòm. Chỉ còn khoảng vài ba nhà còn duy trì nghề cũ và ngôi đình Hà Vỹ hiện nay với một số di vật như câu đối, bia đá như là chứng tích cho quá trình phát triển của đô thị cổ về nghề sơn xưa. Nhiều người tiếc cho nghề được khen là có nhiều đồ sơn tốt nhất thế giới một thời và với nhu cầu hiện nay vẫn có thể tô vẽ cho Hà Nội một nét cổ kính.
Chia tay chúng tôi, anh Trần Thịnh nói, nghề thịnh hay suy không chỉ là thời thế từng lúc, mà có lẽ còn do sự giữ nghề và cách giữ nghề. Nghề cổ nhưng phải luôn biết làm mới, thế mới hòng ''móc túi'' được thiên hạ. Tôi giật mình vì lời nói, nhưng lại nghĩ anh nói đúng.
Bình luận (0)