Được xem là vở cải lương đầu tiên nói về thân phận một kỳ nữ văn chương nổi tiếng đất Thăng Long: nữ sĩ Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX), kịch bản Bà chúa thơ Nôm đã được nghệ sĩ Linh Huyền – một cây bút trẻ đam mê sân khấu cải lương - sáng tác trong suốt 8 tháng.
Với ý tưởng kết hợp các chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam (như ca trù, cải lương, chèo...) lại với nhau và biết đặt để các bài bản này đúng vị trí cảm xúc của nhân vật, vở diễn đã tìm được sự đồng cảm của khán giả.
NSƯT Thanh Thanh Hiền và nghệ sĩ Tô Châu trong vở Bà chúa thơ Nôm
NSƯT Thanh Thanh Hiền đã thể hiện xuất sắc nhân vật Hồ Xuân Hương trên sân khấu cải lương. Chất ai oán của cải lương được Thanh Thanh Hiền xử lý rất điệu nghệ.
Nếu không phải là Thanh Thanh Hiền, có thể sẽ khó có nghệ sĩ nào tạo được nét sinh động cho nhân vật khi diễn viên phải thể hiện được nhiều loại hình biểu diễn: cải lương, chèo, ca trù và hát xẩm.
Họa sĩ Kim B đã thiết kế một không gian rất trữ tình, tạo được nét huyền thoại trong cuộc đời nhân vật với những vần thơ Nôm in đậm trên chiếc quạt, tượng trưng cho thân phận người phụ nữ đa tài, truân chuyên.
Phần âm nhạc, với đủ các loại nhạc cụ dân tộc, do ban nhạc Nhứt Dũng- Kim Loan thể hiện, đã phả vào vở không khí âm nhạc thuần Việt. Họa sĩ Sĩ Hoàng một lần nữa chứng tỏ tài năng thiết kế trang phục sân khấu cổ của mình khi thể hiện vẻ đẹp bên ngoài cho các nhân vật.
Công ty Mekong Artists (do Linh Huyền làm giám đốc) với Công ty Sài Gòn Truyền Thông (Saigon Media) có tham vọng đưa vở Bà chúa thơ Nôm vào lịch diễn định kỳ mỗi tháng một lần vào tối 22 để phục vụ du khách nước ngoài. Các nghệ sĩ cũng sẽ tập hát xẩm, ca trù bằng tiếng Anh để có thể giao lưu với du khách.
Tuy nhiên, dù có tham vọng đến đâu, điều cần chú trọng nhất của một tác phẩm cải lương là giữ được chất mềm mại, sâu lắng cần có như đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc đã tạo ra. Còn muốn phục vụ khách du lịch nước ngoài, vở diễn cần chuyển tải bằng ngôn ngữ hình thể và múa nhiều hơn là hát.
Bình luận (0)