Bãi Giữa là dải đất phù sa nằm giữa hai bờ sông Hồng, Hà Nội. Nơi đây có 20 hộ dân sống trên những chiếc thuyền nổi, đến từ nhiều miền quê khác nhau: Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc... Cuộc sống của những người dân Bãi Giữa bấp bênh theo con nước lên xuống, công việc không ổn định, sinh hoạt thiếu thốn, bên cạnh đó, họ cũng nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội. Cộng đồng nhỏ này là chủ đề của khá nhiều thước phim tài liệu và phóng sự. Tuy nhiên, hầu hết đó là cách nhìn của người đứng bên ngoài và phán xét. Còn với dự án “Cuộc đời tôi – Cách nhìn của tôi”, người dân Bãi Giữa, đặc biệt là các em nhỏ, có cơ hội bày tỏ suy nghĩ của mình qua bộ phim do chính mình thực hiện. Với hoạt động của dự án “Cuộc đời tôi – Cách nhìn của tôi”, lần đầu tiên, 7 đứa trẻ ở Bãi Giữa gồm Hiền, Tâm, Hà, Thảo, Bắc, Nhung và Tuyết được biết đến chiếc máy quay phim, được hướng dẫn cách sử dụng chúng và có được những hình dung cơ bản về phim tài liệu. Các em chuyền tay nhau chiếc máy quay phim, ghi vào ống kính những gì diễn ra trong cuộc sống của chính mình, gia đình mình mà không có bất cứ một sự can thiệp nào từ các thành viên điều hành dự án. Suốt hơn hai tháng liền, chiếc máy quay định dạng cao Sony HDR-HC1E đã trở thành người bạn thân thiết của các em, được các em gọi bằng cái tên âu yếm là Wendy - một nhân vật trong phim hoạt hình mà các em đã được xem trên tivi.
“Khi nhắc tới bãi giữa sông Hồng, những người trên phố chỉ nghĩ đến kim tiêm, rác rưởi... và cho rằng dân ở đây toàn là trộm cắp, nhưng thực ra không phải như vậy...” - những đứa trẻ ở Bãi Giữa đã bắt đầu bộ phim của mình bằng những lời như thế. Với các em, cuộc sống ở xóm nổi không chỉ có sự nghèo khổ, vất vả mà còn thấm đẫm tình thương yêu. Nơi đó, dù cuộc sống rất cơ cực, không có điện, phải đánh răng, vo gạo bằng dòng nước đục ngầu ven bờ sông Hồng, mẹ cha các em và chính bản thân các em phải làm đủ việc từ bới rác, bốc vác, quét dọn thuê... để kiếm sống, nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười.
“... Ở đây tuy nghèo nhưng có tình yêu thương rất nhiều với bọn mình. Đây giống như một thảo nguyên xanh tươi, có những cánh đồng đẹp, những bãi lau và bãi ngô. Nơi đây là đẹp nhất!” – đó là lời kết thúc bộ phim Thảo nguyên xanh tươi của các em - một bộ phim được thực hiện trên nguyên tắc đặt tính chân thực của hình ảnh và suy nghĩ của người làm phim lên hàng đầu. Phim không có kịch bản soạn sẵn, cũng không có cốt truyện hay nội dung cụ thể được đặt ra cho các em mà được hình thành từ những cảnh quay thực tế.
Thắp lên hy vọng
Phan Ý Ly, người khởi xướng dự án “Cuộc đời tôi - Cách nhìn của tôi” sinh năm 1981 tại Hà Nội. 17 tuổi, cô theo ngành tâm lý - xã hội - kinh tế tại Trường Mount Carmel College, Bangalore, Ấn Độ. Khi về nước, cô làm việc cho một số dự án của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ. Năm 2004, cô là người đầu tiên ở Việt Nam học thạc sĩ về chuyên ngành sân khấu và truyền thông trong phát triển cộng đồng tại Trường Đại học Winchester, Vương quốc Anh theo học bổng Chevening. Hiện nay, Phan Ý Ly là cố vấn độc lập về lĩnh vực này và đã tự thành lập một số dự án tại châu Phi và Việt Nam. Ý tưởng cho dự án “Cuộc đời tôi – Cách nhìn của tôi” đến với Phan Ý Ly vào năm 2005, khi cô thực hiện dự án đào tạo sân khấu tương tác cho một tổ chức dân vận của thanh niên xóm liều Kibera ỏ Kenya. Từ đó, cô đã nuôi ý định thử sức với một mô hình mới là sử dụng phương tiện truyền thông trong phát triển cộng đồng tại Việt Nam. Khi về nước, Ly đã gửi đề xuất dự án tới cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam 2006 do Ngân hàng Thế giới và Bộ GD-ĐT đồng tổ chức và đã đoạt giải. Chủ đề Ngày sáng tạo 2006 là “Vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, Ly đã chọn đối tượng là các em nhỏ ở bãi giữa sông Hồng vì hoàn cảnh đặc biệt và quy mô nhỏ lẻ của cộng đồng này. Dự án khởi động vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 10 - 2007 bằng việc hoàn thành, công chiếu bộ phim tài liệu Thảo nguyên xanh tươi. Theo Phan Ý Ly, dự án “Cuộc đời của tôi – Cách nhìn của tôi” mong muốn tạo ra sản phẩm trước hết chính là sự trưởng thành về suy nghĩ, sự lớn mạnh về ý chí và các kỹ năng đạt được trong quá trình làm phim của các em. Với bản thân các em và gia đình, đây là một cơ hội nhìn lại cuộc sống và ý thức để vươn xa. “Dự án được thực hiện với tiêu chí của người hoạt động xã hội chứ không phải với tiêu chí của một đoàn làm phim. Có nghĩa là hiệu quả để lại trong tầm nhìn và nhận thức của các em được chú trọng hơn sản phẩm sau cùng là bộ phim – Phan Ý Ly nhấn mạnh. Tương lai của cư dân, trong đó có các “nhà làm phim tí hon”, ở bãi giữa sẽ đi về đâu, đó là điều không ai dám khẳng định, vì mọi việc không thể nhanh chóng thay đổi chỉ với một dự án được tài trợ 10.000 USD như “Cuộc đời tôi – Cách nhìn của tôi”. Nhưng ít ra, từ dự án này, các em nhỏ có được một quá trình tự nhận thức bản thân, tự đặt câu hỏi và tự trả lời, suy nghĩ về ước mơ, tương lai, nguyên nhân và kết quả trong cuộc sống của mình: “Tại sao cha mẹ tôi lại ở đây?”, “Làm sao để cuộc sống của mình được tốt hơn?”, “Mình có thể làm gì?”, “Mình nên làm gì?”... Trở thành nhà quay phim, nhà báo, họa sĩ, ca sĩ... - những mơ ước mà các em chia sẻ với khán giả trong đêm ra mắt đầu tiên của Thảo nguyên xanh tươi là một minh chứng cho điều đó. Và ngày mai của những đứa trẻ đang sống nổi trôi, tạm bợ nơi bãi giữa ấy đang được thắp hy vọng từ chính cuộc sống của các em, từ Thảo nguyên xanh tươi... |
Bình luận (0)