Vũ Ngọc Anh và Hướng Dương - 2 người mang 2 số phận khác nhau. Vũ Ngọc Anh là bệnh nhân xương thủy tinh, từng gãy xương hơn 150 lần với những biến dạng nặng cả ở tay và chân, cuộc sống phụ thuộc vào chiếc xe lăn. Hướng Dương bị tai nạn giao thông cụt cả 2 chân lúc 25 tuổi khi đang là một hướng dẫn viên du lịch. Bất hạnh, tuyệt vọng, đau khổ nhưng cả hai đã “đứng dậy và bước đi” dù hành trình ấy mong manh nhưng “không dễ vỡ” bởi ý chí và niềm tin mãnh liệt.
“Trong những suy nghĩ non dại nhất, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra niềm vui nếu có thể đi bằng đôi chân một cách bình thường như bao người khác. Dần dần, nó trở thành một ước mơ, khi lớn lên sẽ phải đi thật nhiều, sẽ đến bất kỳ chỗ nào tôi thích” - Ngọc Anh đã nói như vậy và như thế là anh đi thôi! 10 năm sống xa nhà, một mình vật lộn với cuộc sống để thách thức số phận trên chiếc xe lăn cũ kỹ, bụi bặm. Hành trình của chàng thanh niên 18 tuổi qua các tỉnh, thành của đất nước được hồi tưởng lại có một chút gì đó ngạo mạn, một chút tự ti của người khuyết tật. Hồi ức về con đường, thế giới của Vũ Ngọc Anh bình dị nhưng đầy màu sắc, góc nhìn của anh đơn giản nhưng thấm đẫm tính nhân văn.
Với Hướng Dương, từ “Té ngã” rồi phải “Đứng dậy và bước đi” để “Một thế giới mở ra” cho đến khi “Ánh sáng nhiệm mầu”, chị đã kể lại 18 năm đau khổ, cô đơn, buồn chán cho đến khi hy vọng, mạnh mẽ, điềm tĩnh. Quãng đời bất hạnh của chị khiến người đọc xót xa, rơi nước mắt nhưng bắt đầu khi chị đứng dậy bằng nghị lực và nhận thức sáng suốt lại khiến người đọc cảm phục. 18 năm từ một cô gái 25 tuổi mất đi đôi chân cho đến khi trở thành một giám đốc điều hành thư viện sách nói là một hành trình kỳ diệu của “nghệ thuật” vượt qua khổ đau và biến cố trong đời.
Cả Vũ Ngọc Anh và Hướng Dương đều nói rằng mình không mong muốn là “một tấm gương” cho ai cả nhưng họ viết sách với hy vọng mọi người nhìn đa chiều hơn về cuộc sống, người khuyết tật loại bỏ suy nghĩ trong đầu: “Ôi giời, ngồi xe lăn mà, đi được đâu cơ chứ, ở nhà thôi!”. Cho dù với họ, việc ngồi cày xới lại những ký ức để truyền tải bằng con chữ lên từng trang sách không phải dễ dàng. Hướng Dương rất nhiều lần khóc ròng khi lục lại quá khứ. Vũ Ngọc Anh cũng rùng mình khi nhớ lại những chuyến đi sóng gió, tai nạn thường xuyên. Nhưng cầm cuốn sách và lật giở đến những trang cuối cùng, ta mới thấy thật sự vết thương đã được chữa lành, tâm hồn đã thanh thản.
Và những trang viết rất thực, rất xúc động này đã: “Cho thấy được sự chuyển nghiệp và thay đổi vận mệnh là một tiến trình đòi hỏi nhiều nghị lực và nỗ lực. Nó trở thành bài học “lên dây cót tinh thần, thổi bùng sức sống, kích thích sự lạc quan và nỗ lực có giá trị”- như thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, đã đánh giá.
Bình luận (0)