Chiều 24-1, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiếp nhận ca khúc Bà mẹ Gạc Ma do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trao tặng. Món quà tinh thần đặc biệt này để hưởng ứng những hoạt động hướng tới xây dựng đài tưởng niệm trận hải chiến Gạc Ma. Nhạc sĩ của Đất nước, Bài ca không quên… xuất hiện trở lại với một hình ảnh mới vô cùng độc đáo - bà mẹ nơi đầu sóng ngọn gió, bà mẹ trên đảo Gạc Ma.
Vẻ đẹp dữ dội của tượng đài mẹ Việt Nam
“Chiều nay, trời có mưa không, sao biển Trường Sa đong đầy nước mắt. Chiều nay, trời có dông không mà lòng người nổi bão... Bà mẹ Gạc Ma... Lạy trời anh về... Bà mẹ Gạc Ma... Mấy mươi năm rồi vẫn chong đèn đợi cửa, gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi...”.
Ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (bên phải) - tiếp nhận ca khúc Bà mẹ Gạc Ma từ nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn
Ngay từ câu đầu tiên của ca khúc đã khiến người nghe rùng mình vì xúc cảm mạnh mẽ. Người mẹ Việt Nam đã trở thành hình tượng quá sâu đậm trong rất nhiều ca khúc, ngay chính nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng có những câu hát để đời “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ, ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các con không về, mình mẹ lặng im…”. Thế nhưng, khác với người mẹ chờ con nơi làng quê thân thương ấy, hình ảnh người mẹ lần này được nhạc sĩ khắc họa như một tượng đài với cái đẹp dữ dội pha lẫn khắc khổ trên tuyến đầu Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió, với bão dông, chiến trận và hy sinh. Mấy chục năm, mẹ vẫn luôn chong đèn đợi cửa, chỉ gửi hoa theo sóng mà vẫn nghĩ một ngày con sẽ về.
“Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi...” - câu thơ của Lê Tú Lệ chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ cho ra đời ca khúc; là hình ảnh dữ dội tượng trưng cho những người con anh dũng đã xả thân cho chủ quyền Tổ quốc. Trong số hàng triệu người con ra đi, bao nhiêu người đã ngã xuống trên những ngọn sóng mặn mòi; và mẹ ngồi đó tự tại chờ trông: “Bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió, gối đầu lên nỗi nhớ, gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi…”. Những ngọn gió về thăm mẹ, rồi lại ra đi, cho dù biết ở ngoài kia luôn là dông bão.
Đau thương mà hào hùng
Câu hát thể hiện sự đồng hành của mẹ cùng con nơi trận chiến, niềm tự hào của tuổi xuân cống hiến cho Tổ quốc và niềm tin không gì lay chuyển nổi ở những lý tưởng cao đẹp, cho hôm nay và cho cả mai sau. Đoạn kết với tính chất hợp xướng mang đến cảm giác thanh thoát, khiến người nghe cảm nhận cái đẹp cao cả của sự hy sinh, đã nâng tầm ca khúc mới của người nhạc sĩ vốn được mệnh danh là “ông vua ca từ” này. Với sự cẩn thận và kỹ lưỡng nhất, các bản nhạc được nhạc sĩ viết riêng dành cho piano và ông cũng hoàn thiện cả bản tổng phổ dành cho dàn nhạc giao hưởng.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn rơm rớm nước mắt chia sẻ về kỷ niệm riêng của ông: “Cha tôi hy sinh năm 1946 - người cha mà tôi còn chưa từng được thấy mặt, chỉ được ngắm ông qua những tấm hình. Năm 1964, trong một lần công tác cùng đoàn cán bộ của Ban Tuyên huấn, có vợ tôi và bà vợ của nhà thơ Giang Nam vào thăm chồng, cả đoàn bị lọt trúng ổ phục kích ở Tây Ninh, vợ tôi chấp nhận bị bắt đưa về nha cảnh sát để bảo vệ sự an toàn cho 18 cán bộ. Nhưng cô con gái đầu lòng của tôi, lúc ấy mới vừa được 6 tháng tuổi, đã mất trong trận đó”.
Vậy nên, từ những trải nghiệm của chính bản thân và đồng cảm với trái tim yêu nước của hàng triệu bà mẹ, hàng triệu đứa con anh dũng của Tổ quốc, tác giả của Đất nước, Bài ca không quên... đã luôn khắc họa thành công hình ảnh Việt Nam đau thương nhưng hào hùng trong các tác phẩm của mình.
Nhớ về trận hải chiến Trường Sa năm 1988, tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên đảo Gạc Ma, nhớ thương những người con đã ngã xuống vì tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, ca khúc mới của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - Bà mẹ Gạc Ma góp phần xây thêm tượng đài yêu nước trên đảo này để nhắc nhở thế hệ tương lai nhớ về truyền thống anh hùng và thắp lên ngọn lửa yêu nước, cháy mãi không bao giờ nguôi.
Bình luận (0)