Mỗi lần ngồi nói chuyện về phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, diễn viên Hữu Thành luôn tặc lưỡi tiếc nuối khi Lê Thế Lữ - người đóng vai thằng Kìm - không còn theo nghề nữa. Theo ông, gương mặt mộc mạc chân chất và diễn xuất tự nhiên, bản năng rất có hồn của Lê Thế Lữ góp phần không nhỏ vào sự thành công của tác phẩm điện ảnh này.
Vụt sáng rồi mất hút
10 năm trước, khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật TP HCM, Lê Thế Lữ được đạo diễn phim “Mùa len trâu” mời đến thử vai thằng Kìm. Ngoài ngoại hình quá hợp vai như nhận xét của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Lê Thế Lữ còn phải nỗ lực tập bơi, tập cưỡi trâu... để hóa thân vào vai thằng Kìm.
Nhờ vai này, từ một nhân vật xa lạ trong làng điện ảnh, Lê Thế Lữ vụt sáng thành một ngôi sao, được kỳ vọng sẽ là gương mặt điện ảnh mới của nghệ thuật thứ bảy. Thế nhưng, sau vài vai diễn khác, anh không còn cơ hội đi tiếp với nghề. Anh từng tâm sự rằng mình đã phải ngồi chờ nhiều năm nhưng không có phim đóng nên đành đi tìm công việc khác để sống. Hiện “thằng Kìm” đã lập gia đình và sinh sống tại Hà Nội.
Từng có được một vai “chào sân” đình đám trong phim “Thương nhớ đồng quê” nhưng đến nay, Tạ Ngọc Bảo cũng không còn gắn bó với nghề diễn. Theo đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, Bảo có gương mặt đậm chất điện ảnh nên dù lúc ấy mới còn là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, bà vẫn quyết định giao cho anh vai chính là chàng nông dân Nhâm. Phim đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước khiến Tạ ngọc Bảo trở nên nổi tiếng.
“Nhưng sau đó, nhiều đạo diễn không tin tưởng tôi có thể hóa thân vào các vai khác ngoài nông dân nên tôi rất hiếm có vai diễn. Gần 10 năm sau, tôi phải lăn lộn trên phim trường với nghề thư ký trường quay để kiếm sống. Cuối cùng, tôi chuyển qua làm nhân viên văn phòng cho đến nay” - Tạ Ngọc Bảo kể. Theo đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, Tạ Ngọc Bảo có tài năng và rất mê nghề nhưng tiếc là không có nhiều lời mời đóng phim nên anh buộc phải bỏ ngang nghiệp diễn khi tuổi vừa chín.
Trần Hữu Phúc bước ra từ vai diễn ấn tượng trong phim “Sống trong sợ hãi” hay Thạch Kim Long trong “Rừng đen”, “Đừng đốt” cũng sống vô cùng chật vật với nghề. Nếu Trần Hữu Phúc chuyển hẳn qua đạo diễn khi thấy cửa nghề cho mình quá hẹp thì Thạch Kim Long vẫn vất vả bám nghề đến cùng. Anh nhớ lại: “Trông mỏi mắt mới có một lời mời đóng phim, dù vai phụ, quần chúng nhưng tôi cũng thấy vui vì được làm nghề. Mấy tháng nay, vì không có ai mời đóng phim nên tôi ở nhà phụ bán cà phê với vợ”.
Gần 10 năm theo nghề, Thạch Kim Long cũng là tên tuổi ít nhiều được biết đến, tài năng đã được khẳng định nhưng vợ chồng anh vẫn sống ở nhà trọ vì thù lao đóng phim ba cọc ba đồng lại không ổn định. “Tôi thấy mình có khả năng, khát khao diễn nhiều vai nhưng không biết vì sao chẳng ai mời. Tôi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ nhưng thú thật, nhiều lúc thấy chông chênh, chán nản, tôi muốn bỏ nghề quá!” - anh bộc bạch.
Thiếu hẳn lực lượng tài năng, nòng cốt
Tìm được một diễn viên tài năng không dễ nhưng điện ảnh Việt không quan tâm đến chuyện tạo cơ hội cho họ tiếp tục làm nghề, thử thách và cống hiến lâu dài. Phim ảnh dần dần đã trở thành “sân chơi cố định” của những diễn viên trẻ, đẹp mà tên tuổi họ “bảo chứng” cho chỉ số người xem đạt mức an toàn và doanh thu phòng vé, cho dù độ “hot” đó không đến từ những vai diễn. Chính điều đó làm cho đất diễn của những diễn viên tài năng thực thụ, không thuộc dòng phim thương mại bị thu hẹp, mất dần khiến họ vụt sáng rồi mất hút.
Lê Thế Lữ từng rất bức xúc về chuyện diễn viên, người mẫu không được đào tạo qua trường lớp mà rầm rộ đi đóng phim, trong khi những người được đào tạo trường lớp bài bản như anh thì không có chỗ chen chân. Thạch Kim Long lại không trách những người mẫu, ca sĩ đi đóng phim vì nhờ có họ mà anh trở nên khác biệt. Nhưng tiếc là phim Việt cứ chạy theo trào lưu, cần tên tuổi hút khách chứ không cần những gương mặt đậm chất điện ảnh, có tài hóa thân.
Chuyện bè phái trong sáng tạo nghệ thuật cũng khiến cho “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Người ta dễ thấy nhiều sự lặp lại đến nhàm chán của ê-kíp đạo diễn - diễn viên quen thuộc. Trong khi đó, các diễn viên khác đứng ngoài, chỉ được mời trong trường hợp “lấp vai”. Các nhà sản xuất và đạo diễn cũng thường “đóng khung” vai diễn cho diễn viên. “Tôi không bao giờ kén vai vì tôi tin là diễn viên, ai cũng muốn thể hiện đa dạng các vai diễn. Thế nhưng, người làm phim không tin tưởng đã vô tình bóp chết cơ hội làm nghề của nhiều diễn viên có tài” - Thạch Kim Long bày tỏ.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng việc để những nghệ sĩ ở độ chín nghề ở nhà trông con, buôn bán, lâu lâu xuất hiện trên phim làm “dàn bao” cho lớp trẻ là lỗi của những người làm phim. Trong khi đó, theo các nhà sản xuất, khán giả Việt đa phần là người trẻ nên phim càng trẻ trung, tươi mới với sự tham gia của các “hot boy”, “hot girl”, chân dài càng hút khách. Thực tế, các nhà làm phim dùng “hot boy”, “hot girl” là cách che lấp sự yếu kém sức hút về mặt nội dung phim. Hơn nữa, người mới thường không đòi hỏi thù lao, nhà sản xuất bớt đi chi phí đáng kể so với diễn viên tên tuổi.
“Lớp diễn viên tài năng, chín muồi với nghề đang rất hiếm. Không biết vài năm nữa, điện ảnh Việt có còn những diễn viên gạo cội, làm nòng cốt hay không” - diễn viên Hồng Ánh băn khoăn. Rõ ràng, tiền bạc không có lúc này thì sẽ có lúc khác nhưng tài năng và kinh nghiệm diễn xuất của diễn viên không phải muốn là có. Với việc sử dụng tài năng quá lãng phí và hao hụt như hiện nay, điện ảnh Việt sẽ không còn đội ngũ giỏi nghề.
Kém về nghệ thuật hóa trang
Nhan sắc dù chăm sóc kỹ đến đâu cũng đều có dấu ấn thời gian khi diễn viên qua tuổi 30, nhất là nữ. Sở dĩ các diễn viên nước ngoài qua tuổi 30-40, thậm chí 50, vẫn còn xinh đẹp, quyến rũ, phong độ trên phim ảnh là nhờ một phần rất lớn ở nghệ thuật hóa trang. Diễn viên Lưu Hiểu Khánh của Trung Quốc ở tuổi 50 vẫn đóng vai Võ Mỵ Nương tuổi 17 một cách dễ dàng.
Còn ở Việt Nam, muốn hóa trang cho Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, Trịnh Kim Chi... thành các cô gái tuổi đôi mươi là không thể. Dù đầy tài năng nhưng ngoại hình không còn phù hợp với vai diễn tuổi đôi mươi nên họ phải nhường vai cho lớp diễn viên trẻ. Trong khi đó, gần như không có phim mà vai chính phù hợp với lứa tuổi của họ.
Bình luận (0)