Nhưng càng về sau, chương trình càng nhạt dần duyên hài, những “liên khúc tấu hài” có nội dung tào lao đã chiếm chỗ các tiết mục hài được đầu tư nghiêm túc. Dư luận trong làng kịch Hà Nội ví von Gặp nhau cuối tuần giờ đã thành “Vật nhau đuối dần”. Còn làng hài TPHCM thì gọi đùa “Gặp nhau cuống mùng”, bởi những chuyện cười tưởng giúp người xem thư giãn những ngày cuối tuần có khi làm người trong nghề... mất ngủ vì quá tầm phào.
Nhố nhăng nhất là chuyện hai gã nhà quê lên thành phố gặp một ả gái điếm, cả ba “mặc cả” nhùng nhằng bằng ngôn ngữ chợ búa, rồi tác giả “nâng tính tư tưởng” quy cho ả gái điếm hành vi lưu manh. Hoặc ba ông chồng sợ vợ đến phát hèn. Nhảm nhí hơn là chuyện lên chùa cầu duyên của một cô gái tuổi dậy thì, bị lão thầy bói mù sàm sỡ...
Điển hình cho sự “dở hơi” trong cách dàn dựng và nội dung kịch bản là chương trình vừa phát sóng sáng 18-5. Người xem không cười nổi trước hiện tượng giả gái trong câu chuyện nói về các diễn viên đóng bộ phim Từ giã giang hồ đoạt 7 giải thưởng Oscar (!?), một kiểu tấu hài “kệch cỡm” về hình thức lẫn nội dung. Người xem không hiểu nội dung này chuyển tải tư tưởng giáo dục điều gì và nhằm vào đối tượng nào? Chỉ vang lên những lời đối thoại đốp chát, chửi rủa, quơ quào tiếng cười một cách kém thẩm mỹ...
Khán giả nói gì?
Chị Võ Thị Ánh (khu cư xá Đường sắt quận 3 - TPHCM) phát biểu: “Tôi không thể cười khi Gặp nhau cuối tuần lại bôi xấu hình ảnh người phụ nữ, như quá sức hung dữ với chồng ở chương trình tối 15-5 mà tôi được xem. Tính cường điệu trong ngôn từ hài ở một vài chương trình gần đây làm tôi phát ngán vì không tìm thấy sự thâm thúy, đáng yêu của những cây cười mà tôi yêu thích”. Anh Nguyễn Mạnh Trung (công nhân Nhà máy Dầu Tường An) nhấn mạnh: “Theo tôi chương trình này kém hiệu quả là do khâu biên tập quá dễ dãi. Ở trong
Ý kiến người trong nghề
NSƯT Bảo Quốc người được mời tham gia Gặp nhau cuối tuần khi VTV3 thực hiện chương trình đầu tiên tại TPHCM, cho biết: “Nếu cứ như tấu hài nói qua, nói lại thì Gặp nhau cuối tuần chẳng có ý nghĩa gì. Theo tôi, cách chấn chỉnh là tập hợp một đội ngũ tác giả chuyên viết hài đi thâm nhập đời sống nhân dân, sau đó tập hợp lại và dàn dựng theo từng chuyên đề. Diễn viên thể hiện phải có tài năng thực sự mới thích ứng với đề tài”.
Danh hài đất Bắc - Minh Vượng tâm sự: “Rất mừng là chương trình Gặp nhau cuối tuần thời gian đầu tạo được sự hứng khởi nơi người xem. Thế nhưng các chương trình về sau không còn sự cuốn hút. Theo tôi, nguyên nhân là khâu kịch bản. Vì cứ quanh quẩn chuyện “hai bà với một ông - hai ông với một bà” thì chẳng giải quyết được gì”.
Cần đầu tư kịch bản
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, phát biểu: “Đây là chương trình rất cần thiết vì đem lại cho người xem những phút giây thư giãn. Và cái cười của chương trình đã không như điều người xem mong đợi. Hơn nữa, đã gọi là Gặp nhau cuối tuần thì yếu tố “gặp nhau” phải bất ngờ, để vừa vui vừa nhẹ nhàng, vừa mang tính văn hóa. Chứ không phải ngày tết, ngày lễ mà cứ chửi nhau thì rất phản cảm. Tôi khó chịu nhất là những diễn viên nhại lời người bị khuyết tật, đem dị tật bẩm sinh của họ ra làm trò cười, vô tình xúc phạm đến người bị khuyết tật và ảnh hưởng đến văn hóa. Theo tôi, nên khai thác sự hóm hỉnh của người lao động trong cuộc sống hôm nay để thấy dù khó khăn nhưng người ta vẫn lạc quan, phấn đấu. Bên cạnh đó, cần đầu tư kịch bản cho sâu sắc, không nhất thiết phải làm hàng tuần nếu chương trình bị “đuối” như hiện nay”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc VTV3 cần chấn chỉnh và cải tiến về nội dung, hình thức của Gặp nhau cuối tuần để đáp lại tình cảm mến mộ mà khán giả và văn nghệ sĩ cả nước đã dành cho chương trình này hơn hai năm qua. Đừng để người xem cứ bị “tra tấn” hàng tuần, còn các nhân vật cứ... “vật nhau đuối dần” trên màn ảnh nhỏ!
Bình luận (0)