Mùa giải thứ 2 của Vietnam’s next top model (phiên bản Việt của American’s next top model) đang đi vào giai đoạn đáng lẽ sẽ rất gay cấn như bản gốc khi đích đến của chương trình ngày càng gần nhưng dường như nó đang “lép vế” so với nhiều chương trình khác đang diễn ra cùng thời điểm. Đây là một bất ngờ, bởi lẽ American’s next top model vốn là một chương trình rất nổi tiếng và thu hút sự chú ý của khán giả khắp thế giới.
Kịch quá!
Sự căng thẳng, hồi hộp, những giọt nước mắt của người chiến thắng hay thất bại hẳn nhiên sẽ có trong các cuộc thi. Thế nhưng, không ai ngờ một cuộc thi đòi hỏi thí sinh cần chứng tỏ bản lĩnh như Vietnam’s next top model lại có nhiều nước mắt đến thế. Nước mắt tràn ngập trong các tập phim phát sóng mà lý do để thí sinh phải khóc lóc thảm thiết thật sự không đáng: không tìm được chỗ ngủ, va chạm nhau trong sinh hoạt tập thể, đau lúc tập luyện, sẩy chân bởi giày cao gót, sợ nước…
Mùa giải thứ 16 của chương trình American’s next top model đang được phát sóng (trên kênh Star World) càng cho thấy sự nhàm chán của phiên bản Việt. Cũng có nước mắt nhưng nhà sản xuất luôn biết chọn những giọt nước mắt có giá trị để đưa lên màn hình, người thất bại (phải ra về vì biểu hiện kém) luôn ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh, người chiến thắng luôn cười tươi chia sẻ cùng đồng nghiệp… Tất cả những điều ấy không chỉ khiến cuộc đua thêm giá trị mà những thước phim cũng thực sự đáng xem.
Thiếu thuyết phục
Mục đích của Vietnam’s next top model là tìm ra những người mẫu yêu nghề, kiên định, quyết đoán và bản lĩnh. Với một thí sinh quá thừa nước mắt, thiếu bản lĩnh (sự cố gì cũng khóc) như Lê Thị Thúy, tưởng chừng cô không nên được đi tiếp trong cuộc thi. Chính tính cách quá đặc thù này của Thúy đã khiến không ít cư dân mạng “nổi điên”, với những lời phê phán, kiểu: “Vờ vịt, vớ vẩn, khóc lóc, ra chiến trường chiến đấu mà khóc. Một người như vậy liệu có xứng đáng để bước tiếp không? Người gì mà giả tạo, õng ẹo”, hay “Tôi thấy chán cái em Thúy lắm rồi, càng xem càng thấy thất vọng. Diễn quá. Hở tí thì khóc lóc, tôi chả thấy tố chất làm người mẫu của bạn ở chỗ nào”.
Thậm chí khi Lê Thị Thúy được vớt tiếp vào vòng trong sau một buổi chụp hình khiến tất cả ban giám khảo lẫn người xem đều ngán ngẩm vì sự õng ẹo của cô, cư dân mạng tiếp tục lên tiếng chỉ trích: “Ban giám khảo thiên vị với Lê Thị Thúy quá! Cứ đến mỗi tập thì Lê Thị Thúy hết khóc lại đến xỉu... Một người giả tạo, đổ thừa hoàn cảnh như thế mà lại cho tiếp tục tham gia cuộc thi!?”.
Việt hóa không thành công
Mất 3 năm để nghiên cứu, thương thảo và đem chương trình về Việt Nam với giá bản quyền thuộc dạng “khủng” (300.000 USD) từ CBS (nơi nắm giữ bản quyền của chương trình American’s next top model của siêu mẫu Tyra Bank), nhà sản xuất (Công ty Multimedia) tự tin “chương trình sẽ ăn khách”. Niềm tin này hoàn toàn có lý khi những chương trình tìm kiếm người mẫu ở Việt Nam gần như không chuyên. Hơn nữa, với tính chất truyền hình thực tế, việc phát hiện và đào luyện một “gái quê” trở thành người mẫu, bản thân nó đã có một sức hút đặc biệt. Minh chứng rõ nét là những thành tựu mà American’s next top model đã có được. Thế nhưng, sự mong đợi của nhà sản xuất cũng như sự kỳ vọng của khán giả dành cho Vietnam’s next top model khó thành sự thật dù chương trình đã đi gần hết mùa giải thứ 2. |
Bình luận (0)