Những ai từng yêu mến Moonrise Kingdom (Vương quốc trăng lên) của Wes Anderson đã một lần nữa được thưởng thức tài nghệ của đạo diễn kiêm biên kịch tài hoa này nhưng lần này là trong một tác phẩm mang tính đột phá trong sự nghiệp làm phim của ông.
Lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà văn người Áo Stefan Zweig, Wes Anderson đã dựng nên chuyện phim đậm chất văn học về Grand Budapest - một tòa khách sạn cổ kính màu hồng nhạt ngự trên đỉnh núi bình lặng của đất nước giả tưởng Zubrowka thuộc Đông Âu lạnh giá. Đạo diễn đã chọn thủ pháp “kể chuyện trong phim”, mượn cuộc gặp gỡ trò chuyện của một nhà văn nổi tiếng với Zero Moustafa - chủ khách sạn Grand Budapest vào năm 1968 - để kể lại câu chuyện giàu chất phiêu lưu về người quản lý đầu tiên của Grand Budapest, thường được biết đến danh xưng “ngài Gustave H” và cũng là nhân vật trung tâm của phim.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1932 khi khách sạn Grand Budapest đang trong thời kỳ huy hoàng nhất. Sau khi quê hương bị chiến tranh tàn phá và gia đình bị giết hại, chàng trai trẻ Zero Moustafa đã tị nạn đến Zubrowka và trở thành nhân viên tiền sảnh học việc của Grand Budapest, nơi anh được quản lý Gustave chỉ dạy từng chi tiết một. “Ngài Gustave” mang phong thái của một quản lý khách sạn hạng nhất, sành sỏi và hay gần gũi chăm sóc những vị khách “có vấn đề”, đặc biệt là những phụ nữ lớn tuổi giàu có như “phu nhân D”. Khi “phu nhân D” đột ngột qua đời, Gustave bị tình nghi giết chết bà và bị tống vào tù. Từ đây, mạch phim đi theo hành trình vượt ngục để minh oan cho chính mình của Gustave với sự đồng hành của Zero trên đường trốn chạy sự truy đuổi của cảnh sát và đối mặt với âm mưu của những hung thủ máu lạnh.
The Grand Budapest Hotel mang những nét “thương hiệu” không thể lẫn vào đâu được của Wes Anderson với những tông màu gây hiệu ứng mạnh về thị giác và phần thiết kế mỹ thuật đẹp mê hồn.
Mối quan hệ giữa hai nhân vật Zero và ngài quản lý Gustave cũng chính là điểm nhấn quan trọng dẫn dắt cả mạch phim đã được thể hiện thành công qua diễn xuất dí dỏm và duyên dáng của bộ đôi một gạo cội - một trẻ trung: Ralph Fiennes (Gustave) và Tony Revolori (Zero), bên cạnh dàn diễn viên có thực lực quy tụ từ những “tiền bối” như Bill Murray, Willem Dafoe... tới những người trẻ như Jude Law, Adrien Brody, Saoirse Ronan. Ngoài ra, nhạc nền đậm chất Đông Âu của nhà soạn nhạc Alexandre Desplat cũng góp phần cộng hưởng thêm cho không gian cổ kính huyền ảo của phim và tạo hiệu ứng mạnh lên cảm xúc người xem vào những thời điểm then chốt nhất.
Giới quan sát hoàn toàn không bất ngờ khi The Grand Budapest Hotel dẫn đầu danh sách đề cử Oscar 2015 với 9 đề cử. Tuy nhiên, lịch sử Oscar lại có vẻ đang chống lại những tác phẩm hài khi trong 30 năm qua chỉ có 2 phim hài đoạt giải Phim xuất sắc nhất (Shakespeare in Love năm 1998 và The Artist năm 2011). Nhưng với một tác phẩm được đánh giá xuất sắc về mọi khâu như The Grand Budapest Hotel, những ai yêu mến bộ phim này hoàn toàn có thể hy vọng vào một kết quả mỹ mãn.
Bình luận (0)