NSƯT Thanh Kim Huệ và Thanh Điền trong vở Ngao sò ốc hến tại Pháp
NSƯT Trọng Phúc và các diễn viên múa tại Nhà hát Charenton - Pháp
Hội Bảo tồn nghệ thuật cải lương Về nguồn do NS Hà Mỹ Xuân (em ruột của NSƯT Thanh Điền và NS Hà Mỹ Liên) làm chủ nhiệm. Ba anh em ruột lần đầu tiên hội ngộ trên sân khấu Nhà hát Charenton Paris vào suất hát chiều 6-10 vừa rồi.
Suất diễn thu hút đông đảo khán giả kiều bào và cũng là suất diễn đầu tiên ra mắt Hội Bảo tồn nghệ thuật cải lương Về nguồn với chủ đề “Hương sắc cải lương” do NSƯT Thanh Điền dàn dựng, với sự cộng tác của các chuyên viên âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật màn ảnh do hai đạo diễn Pháp là Julien Zerr (quản lý nghệ thuật) và Philippe Iacobell (giám đốc kỹ thuật).
Trao đổi với Báo Người Lao Động, hai đạo diễn cho biết, họ đã từng đến Việt Nam để tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước và cảm nhận của họ qua những buổi tập cải lương là một sự ngưỡng mộ, nhất là khi các NSƯT Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Trọng Phúc biểu diễn cùng với các nghệ sĩ Việt kiều Pháp như: Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, Lý Kim Thành, Lê Hồng Phước, nhạc sĩ Minh Thanh (ghita cổ), Xuân Phước (đờn bầu), Ngân Hà (đờn tranh), Thanh Sơn (organ)... Đạo diễn Philippe Iacobell nói: “Tôi cảm thấy vô cùng thú vị khi được tham gia dàn dựng chương trình này, nghệ thuật cải lương Việt quả là một viên ngọc đẹp, lấp lánh nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc”.
Các nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Xuân, Thanh Điền (áo trắng, bên phải) tại Paris
NSƯT Thanh Kim Huệ hóa trang cho nghệ sĩ Lê Hồng Phước trong hậu trường Nhà hát Charenton
NSƯT Thanh Kim Huệ đã làm say đắm khán giả kiều bào khi diễn vai Thị Hến trong vở Ngao sò ốc hến (tác giả NSND Nguyễn Thành Châu) và công chúa Bích Vân (vở Bên cầu dệt lụa – soạn giả Thế Châu). Riêng vai Thị Hến, vai diễn mà chị đã từng thể hiện thành công năm 1982 trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn 1 thực sự được khán giả kiều bào tán thưởng.
NSƯT Thanh Điền đã tạo được những tiếng cười duyên dáng qua vai quan huyện, vai diễn đã đánh dấu sự thăng hoa trong diễn xuất theo phong cách trào lộng, châm biếm mà NSND Ba Vân đã từng dàn dựng cho tập thể đoàn cải lương vang bóng một thời. NS Hà Mỹ Xuân diễn vai Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa, cùng với NSƯT Trọng Phúc (vai Trần Minh) đã làm khán giả bồi hồi xúc động, vì các lớp ca diễn của chị gợi nhớ về đoàn cải lương Thanh Minh, Thanh Nga xưa, khi mà chị còn rất trẻ, đóng những vai phụ bên cạnh thần tượng NSƯT Thanh Nga.
Ba nghệ sĩ: Hà Mỹ Liên, Thanh Điền, Hà Mỹ Xuân hội ngộ tại Pháp
NSƯT Thanh Điền xúc động tâm sự: “Trích đoạn này chỉ mới diễn lại trong chương trình Mai Vàng kết nối do Báo Người Lao Động tổ chức hồi tháng 8, nay được diễn lại trên đất Pháp, tôi xúc động vô cùng. Vì trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn mà em gái tôi vẫn dồn hết tâm huyết để tổ chức lễ ra mắt Hội Bảo tồn nghệ thuật cải lương Về nguồn. Điều tôi quan tâm chính là hướng đi lâu dài của Hội, vì tiêu chí hoạt động là đào tạo dàn diễn viên trẻ, mỗi tháng có 3 buổi học tập, sau ba tháng có một suất diễn phục vụ kiều bào, cuối năm sẽ có một chương trình được tổ chức quy mô tại Nhà hát lớn của Paris. Trong suất diễn 6-10, nhìn khán giả mặc trang phục lịch sự đến xem, im lặng thưởng thức từng lời ca, câu thoại của nghệ thuật cải lương, tôi và anh em nghệ sĩ trong cũng như ở hải ngoại đều xúc động. Mừng hơn là vì phần lớn họ đều là lớp trẻ lớn lên ở Pháp, và một số đông khán giả khác là sinh viên đang du học tại đây đã đến xem và cổ vũ cho các nghệ sĩ”.
NS Tuấn Anh, Hà Mỹ Xuân, Lý Kim Thành, Lê Hồng Phước trong vở Ngao sò ốc hến
NSƯT Thanh Kim Huệ cho biết thêm: “Tôi về làm dâu gia đình anh Thanh Điền đã lâu nhưng chưa có suất diễn nào ba anh em lại đứng chung trên một sân khấu và cùng ca với tôi. Đây là một sự kiện đáng nhớ và có ý nghĩa vô cùng khi chúng tôi phát hiện ra nhiều gương mặt trẻ tài năng tại Pháp qua hai vở Ngao sò ốc hến và Bên cầu dệt lụa như: Lý Kim Thành diễn vai thầy Lý và Nhuận Điền, Lê Hồng Phước diễn vai trùm Sò và nhà vua. Hạnh phúc hơn khi nhiều khán giả kiều bào đã gửi tiền, quà, thuốc, thực phẩm... để chúng tôi mang về làm từ thiện, trao tặng cho những trẻ em mồ côi, khuyết tật đang cần sự giúp đỡ. Mục đích của Hội Bảo tồn nghệ thuật cải lương Về nguồn ngoài việc duy trì hoạt động biểu diễn, đào tạo diễn viên trẻ còn là việc bán vé các suất diễn có doanh thu để làm công tác từ thiện”.
NS Hà Mỹ Xuân trong vai Quỳnh Nga (vở Bên cầu dệt lụa)
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân không muốn làm một bà bầu tổ chức các show diễn theo cách quy tụ nhiều ngôi sao của ca nhạc, điện ảnh, thời trang… mà chú tâm gầy dựng lại những suất hát nghệ thuật cải lương đúng nghĩa trên đất Pháp. Chị nói: “Tâm nguyện của tôi đã thành hiện thực khi Nhà hát Charenton tràn ngập tiếng vỗ tay của khán giả dành cho một suất hát lịch sử. Lâu nay việc tổ chức cải lương chỉ diễn ra ở nhà hàng, hội trường nhỏ, có khi diễn tại các chợ người Việt vào dịp lễ tết, rất ít khi ra được sân khấu nhà hát. Ba nghệ sĩ trong nước sang hỗ trợ với chúng tôi đợt này: NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Trọng Phúc đã được kiều bào yêu thích, đặt kỳ vọng vào hướng đi của Hội bảo tồn nghệ thuật cải lương Về nguồn, đó là giữ gìn và bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân tộc, trong đó bộ môn cải lương sẽ được xem là môn học chính của các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà Hội của chúng tôi tổ chức trong năm nay”.
NSƯT Thanh Kim Huệ và nhà báo Thanh Hiệp trong chuyến đi Pháp tháng 10-2014
NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ và các nghệ sĩ, đạo diễn tại nhà hát Charenton ngoại ô Paris
NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ và vợ chồng Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, nhà báo Thanh Hiệp trước một quán ăn của người Việt ở quận 15.
Hà Mỹ Liên, đạo diễn Cung Thị Ngọc Phượng và Hà Mỹ Xuân tại Pháp
Bình luận (0)