Điều khiến giới nghệ sĩ có tâm huyết với sân khấu bức xúc chính là việc các “quan” quản lý tham gia trong các liên hoan, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp. Soạn giả Đăng Minh (cha đẻ của 2 tác phẩm sân khấu nổi tiếng: “Lệnh truy nã” và “Vụ án Mã Ngưu”) than rằng: “Thời nay, các “quan” quản lý bắt đầu làm kịch tác gia, đạo diễn sân khấu nhiều hơn giới làm nghề chuyên nghiệp. Một kịch bản của “quan” ăn từ cuộc thi kịch nói chuyên nghiệp sang tới cải lương chuyên nghiệp. Cuộc thi nào cũng có “quan” tham dự và đoạt luôn cả giải thưởng, trong khi “quan” ngồi trong ban chỉ đạo. Trước đây, khi chưa lên chức, chất lượng kịch bản của “quan” làng nhàng, kém chất lượng nhưng nay được gắn mác “quan” tự dưng kịch bản đó hay hẳn lên...!”.
Soạn giả này nói thêm ông không còn cảm xúc với đề tài chống tiêu cực bởi ngay trong lĩnh vực sân khấu, nhìn thấy tiêu cực đầy rẫy nhưng chẳng muốn viết vì viết rồi chẳng đoàn hát nào dám dựng. Cơ hội đến với cuộc thi càng mong manh hơn. Chính vì thế ông xoay sang viết về đề tài tình yêu. “Có cớ viết bài ca vọng cổ cho hay, cho mướt, để thi và sau đó có thể đưa đến công chúng chứ không phải như vở của “quan”, đi thi rồi cất kho, cốt chỉ lấy danh, lấy huy chương để được xét danh hiệu NSND, NSƯT” - soạn giả Đăng Minh chia sẻ.
Người mang nhiều nỗi niềm là soạn giả Hoàng Song Việt khi cuộc thi năm nay có đến 8 kịch bản của ông được chọn dự thi, phần lớn là kịch bản do ông chuyển thể. “Tôi chạnh lòng khi ngày càng ít soạn giả sáng tác kịch bản cải lương” - Hoàng Song Việt nói.
Hai soạn giả Hoàng Song Việt, Đăng Minh còn tâm huyết với nghề, còn có nhiều cảm xúc để viết để góp phần cho sàn diễn cải lương sáng đèn nhưng họ lại chùn tay trước những nhiễu nhương chốn hậu trường sân khấu. “Quan” quản lý ngồi ghế ban chỉ đạo, ghế giám khảo trong khi vẫn đứng tên tác giả, đạo diễn vở dự thi. Liệu có còn khách quan khi đánh giá, phán quyết tỉ lệ huy chương vàng, bạc cho các đơn vị, cá nhân?
Bình luận (0)