Trước, trong và sau khi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (kịch bản do đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) bấm máy, mọi thông tin liên quan đến bộ phim đều được đông đảo khán giả quan tâm, chờ đợi.
“Của hiếm” điện ảnh
Đỉnh điểm là một ngày sau khi công bố phim được chọn để giới thiệu tại Liên hoan Phim Cannes 68, trailer (dù là bản nháp) được phát tán trên mạng lập tức tạo thành cơn sốt với hàng triệu lượt xem, bình luận rôm rả. Đó là điều hiếm hoi, ít khi xảy ra với một tác phẩm điện ảnh về tuổi thơ khi mà mọi sự quan tâm không hề bắt nguồn từ những tai tiếng, lùm xùm nhằm cố tình gây chú ý.
Văn học và điện ảnh, mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ và cách truyền tải cảm xúc khác nhau. Vậy nên, mặc dù truyện dài “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh đã trở nên quen thuộc đến từng câu chữ, khơi dậy bao nhiêu ký ức tuổi thơ của mỗi người nhưng trailer phim vẫn làm người xem thổn thức.
Ngay sau khi xem xong đoạn trailer dài 2 phút, nhiều nhà chuyên môn, đạo diễn, khán giả đã ngỡ ngàng thốt lên: “Quá đẹp, quá hay, quá cảm động, chưa bao giờ háo hức và chờ đợi ngày phim ra mắt như thế!”. Bà Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, chia sẻ: “Đây là điều chưa từng xảy ra bởi phim thiếu nhi ra rạp lâu nay đều im ắng. Đã rất lâu rồi, điện ảnh Việt mới có một phim về tuổi thơ trong trẻo gợi nhiều cảm xúc dù chỉ mới xem trailer”. Theo bà Ngô Ngọc Ngũ Long, phim gây được sự chú ý dễ dàng bởi sức hút từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh và tên tuổi của đạo diễn Victor Vũ.
Song có lẽ một lý do cũng quan trọng không kém là lâu nay mảng phim về thiếu nhi, tuổi thơ hầu như vắng bóng, nhất là tại các rạp chiếu nên sự ra đời của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” phần nào giải được “cơn khát” của khán giả. Đạo diễn Victor Vũ cũng từng nhìn nhận rằng phim đã “gãi đúng chỗ ngứa” khi điện ảnh Việt Nam đang rất thiếu những phim về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo. Có thể đó là tuổi thơ nghèo khó nhưng sự bình dị, đơn sơ; sự ngây thơ, trong sáng luôn là điều mà mỗi người muốn tìm về, nhất là khi nhịp sống hiện đại, bon chen hối hả đang cuốn họ đi như hiện nay.
Chuyện mảng phim này hiếm hoi, lại ít phim hay là thực tế tồn tại từ nhiều năm nay, cũng đã được các nhà chuyên môn than vãn, báo chí mổ xẻ quá nhiều. Vì thế, khi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hội đủ những yếu tố để trở thành tác phẩm ăn khách thì lập tức làm “nóng” trên các diễn đàn, trang báo cũng dễ hiểu. Tất nhiên, chỉ 2 phút ngắn ngủi trong trailer vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu Victor Vũ có làm nên chuyện hay không nhưng khán giả vẫn đặt nhiều sự kỳ vọng về một tác phẩm thiếu nhi cảm xúc trong sáng đã gắn liền với mỗi người.
Khó tìm sự xúc động
Điện ảnh thế giới từng có nhiều bộ phim hay về thiếu nhi, tuổi thơ với nhiều đề tài, cách khai thác phong phú. Khán giả Việt cũng có nhu cầu thưởng thức phim này rất lớn, tất nhiên với điều kiện phim phải hay. Bà Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng: “Muốn phim hay chỉ trông chờ vào tài năng của người làm, mà quan trọng nhất là đạo diễn phải là người bị cuốn vào thế giới tuổi thơ, có sự đồng cảm và xúc động”. Nói như đạo diễn Nguyễn Minh Chung: “Ai cũng từng có một tuổi thơ nhưng quan trọng là bản thân mình có đồng cảm hay không, sau đó mới nói đến chuyện chuyển tải vào từng thước phim, vào nhân vật”.
Đạo diễn Victor Vũ từng bảo khi làm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, anh không thấy khó khăn bởi khi đọc truyện, anh tìm thấy hình ảnh của mình trong đó. “Tôi đã rơi nước mắt khi thấy lại bản thân mình, một người anh ghen ghét, đố kỵ, ích kỷ đôi khi tàn nhẫn với em” - Victor Vũ chia sẻ. Nhưng không phải ai cũng có được những cảm xúc như Victor Vũ. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung cũng bảo: “Làm phim tuổi thơ không giống như các thể loại khác, muốn là làm được, phải có cảm xúc, rung động. Đó là thứ không thể gượng ép”.
Bởi vậy, dù biết phim tuổi thơ là mảnh đất màu mỡ nhưng không phải ai cũng dễ khai phá.
Khan hiếm kịch bản hay
Đạo diễn Nguyễn Minh Chung, người từng chuyển thể và đạo diễn phim truyền hình “Kính vạn hoa” (từ tập truyện của Nguyễn Nhật Ánh), cho rằng: “Làm phim thiếu nhi rất khó, để làm hay càng khó khăn gấp trăm lần”. Theo một số nhà biên kịch, trong mỗi chúng ta, ai cũng có một tuổi thơ nhưng đôi khi để vẽ nên lại rất khó khăn trong ngôn ngữ. Viết về tuổi thơ đã khó, viết cho hay lại không dễ. Phim thiếu nhi dù ít nhưng lâu nay không ấn tượng cũng vì kịch bản quá hời hợt. Chọn tác phẩm văn học của những nhà văn tên tuổi là cách tối ưu.
Bình luận (0)