Những ngày vừa qua, cả nước hướng về biển đảo thân yêu, chủ đề biển đảo cũng trở thành điểm nóng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Văn nghệ sĩ cả nước cũng tham gia rất nhiều hoạt động để nêu cao tinh thần yêu nước của mình. Không sôi nổi như hoạt động biểu diễn nhưng thơ đã có dịp cất cao tiếng lòng thổn thức của người sáng tác, chứng tỏ cái tâm của những người làm thơ nơi đất liền hướng đến đảo xa.
Đẹp cả trong sóng gió, bão giông
Những vần thơ tràn đầy xúc cảm gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về biển đảo quê hương đã và đang được các thế hệ người đọc Việt Nam, từ già đến trẻ, từ những phương tiện truyền thông chính thống hay trang mạng, diễn đàn cùng nhau chia sẻ, lan truyền, bình luận.
“... Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa...
... Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không...” (trích Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến).
Hàng vạn địa chỉ blog của công chúng mạng đã chia sẻ bài thơ này, hàng triệu độc giả đã đọc bài thơ trên các trang trực tuyến. Bài thơ này từng đoạt giải nhì trong cuộc thi “Đây biển Việt Nam” được tổ chức năm 2011-2012 nhưng ngay cả lúc tác phẩm đoạt giải cũng không ai dám nghĩ tới sự quan tâm của độc giả đến tác phẩm cao ở mức như bây giờ. Lời thơ phản ánh nét đẹp hào hùng của tình yêu quê hương, tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc khiến bạn đọc xúc động và khiến tác giả - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - nghẹn ngào: “Sự đồng cảm, chia sẻ của bạn đọc thực sự là một phần thưởng rất lớn đối với người sáng tác. Tôi tin rằng không chỉ là trong dịp biển đảo đang nổi sóng như bây giờ mà sức sống của bài thơ chắc chắn vẫn còn và sẽ đồng hành với tuổi trẻ, với những người yêu nước hướng về biển đảo...”.
Bất cứ nhà thơ nào từng trải nghiệm chuyến hải trình đến với đảo xa; với muôn vàn gian khó mà họ được tận mắt chứng kiến và nổi bật là niềm tự hào về chủ quyền đất nước, về những trang vàng của lịch sử dân tộc, sẽ đều xúc động sâu sắc và chắt chiu từng con chữ để dâng cho đời những vần thơ ngợi ca.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sau khi có Tổ quốc nhìn từ biển đã cho ra đời thêm Tổ quốc bên bờ biển cả; Nguyễn Ngọc Phú (Hà Tĩnh) sôi nổi cuộn trào như những đợt sóng cồn khi có Tổ quốc ba nghìn cây số biển; nhà thơ Phan Hoàng xao xuyến bâng khuâng với Mặt trời trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió và Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh. Nhà thơ Lê Thị Mây ẩn mình lâu lắm rồi nay bất ngờ xuất hiện trở lại với trường ca Người sau chân sóng. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình) cũng hào hứng gửi tới cộng đồng tác phẩm Biển Việt. Nhà thơ Trịnh Công Lộc (Quảng Ninh) tha thiết, bi hùng trong Mộ gió…
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Không chỉ có sóng gió, bão giông, không chỉ có sự khô cằn, bỏng rát, biển đảo trở nên ấm áp, thân thương dưới góc nhìn của thi sĩ. Rất nhiều vần thơ ghi lại nỗi khát khao những khoảnh khắc lãng mạn và bình yên nơi đảo xa bằng những cảm nhận tinh tế, chắt lọc. Nhà thơ Phan Hoàng trải lòng với Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh:
“... Hồn sương nương đường chuông ngân/ Bao anh lính trẻ rời phiên gác mộ/ Sóng lặng lẽ bước gió trở về/ Sum vầy dưới mái chùa cong cong khói hương/ Rầm rì chuyện gieo trồng cày cấy/ Rì rầm chuyện học hành thi cử/ Như trở về dưới mái nhà xưa mẹ già thắc thỏm chờ con/ mỗi bữa cơm chiều...” .
Cựu lính đảo - nhà thơ Trần Đăng Khoa - là người lưu giữ đến mức kỷ lục những hồi ức cháy bỏng về biển đảo nên anh đã có những vần thơ hay về lính đảo: “… Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác/Trời khuya/ Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên” (Thơ tình người lính biển). Nhiều lần đến với đảo, Trần Đăng Khoa mang theo về những vần thơ của lính đảo, mộc mạc, giản dị nhưng lại chuyển tải sức mạnh lan tỏa đến kinh ngạc từ chính những người anh hùng nơi tuyến đầu gian khó: “Ta mang Tổ quốc trên vai/ Trên hai ve áo là hai lá cờ…”.
Nhà phê bình Nguyễn Hòa khẳng định: “Thơ ca về chủ đề biển đảo đang phát huy sức mạnh thực sự của ngôn từ, khi mà “sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa” của Tổ quốc. Nhưng không phải bây giờ mà trước đây rất lâu rồi, khi các nhà thơ lênh đênh trên những chuyến tàu ra với lính đảo đều đã ghi lại niềm tự hào dân tộc, cảm nhận được nhịp đập chung trong trái tim Việt Nam và chuyển tải cảm xúc chân thành của mình tới công chúng. Bi tráng, trầm hùng, thơ ca biển đảo hôm nay không còn là tiếng lòng riêng của cá nhân thi sĩ mà đã trở thành sự thổn thức chung của hàng triệu trái tim Việt Nam, trở thành thơ ca của lòng yêu nước”.
Mẹ kể con nghe
Mẹ kể con nghe câu chuyện biển Đông
Xa tít ngoài khơi, vẫy vùng sóng dữ
Nơi những trái tim chẳng màng sinh tử
Nơi máu đỏ, da vàng vì nước quên thân
Trong ánh mắt con, mẹ thấy cả trời xanh
Bờ cát mênh mang và cánh diều chao liệng
Miệng hồng xinh con nhoẻn cười thánh thiện
Chẳng có giấc mơ nào có tàu chiến, thủy quân
Tình yêu này, khó đong, đếm, đo, cân
Chỉ biết là khi cả muôn người hướng về phía biển
Nghe kẻ hung hăng đưa giàn khoan, tàu ra hiếu chiến
Lại nhói lòng, thương nước! Tim đau!
Con ngủ bình yên, trong cuộc bể dâu
Mẹ thao thức, dõi từng tin, bài mới
Không chỉ mẹ đâu, trăm triệu người ngóng đợi
Biển xa xôi mà sóng dội về đây
Việt Nam ơi, hãy cùng nắm chặt tay
Ừ nước bé nhưng hùng gan bền chí
Quyết không để bọn ngoại bang khinh thị
Bốn ngàn năm phải giữ trọn biển, đất này.
Dương Phạm
Bình luận (0)