. Phóng viên: Anh có thể nói về sự lựa chọn dành cho ngày 15-2?
- Nhà thơ Vũ Quần Phương: Có tới ba lý do đã khiến chúng tôi chọn ngày 15-2 (rằm tháng giêng âm lịch) làm Ngày thơ Việt Nam. Trước hết, vì bây giờ đang trong tiết mùa xuân, đất trời đều đẹp. Thứ hai, cả nước đang trong mùa lễ hội dân tộc, tổ chức một ngày thơ trong không khí hội hè sẽ rất hứng thú. Và cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết một bài thơ hay với tựa đề Nguyên tiêu. Lấy cảm hứng từ ba lý do trên, chúng tôi tin Ngày thơ Việt Nam sẽ là một hoạt động đầy ý nghĩa văn hóa và tao nhã.
. Chỉ qua một ngày thơ, các anh hy vọng có thể xác lập được chỗ đứng của thơ trong lòng độc giả sao?
- Điều này thật không tưởng, nó đòi hỏi phải có quá trình. Một ngày người ta chỉ mong tiến được một bước. Phát động một phong trào không dễ như các nhà thơ nghiệp dư một năm in mấy tập. Chúng ta phải chấp nhận thực tế, đó là người làm thơ thì đông mà người đọc thì ít, số lượng phát triển trong khi chất lượng rất đáng phải suy nghĩ. Trong cả rừng sách mới chọn được một tập thơ hay. Thơ hiện nay đang khốc liệt đi tìm độc giả. Tôi chỉ hy vọng qua Ngày thơ Việt Nam, chúng tôi tiếp thêm động lực để người làm thơ chuyên nghiệp có thêm những tác phẩm chất lượng, còn những người làm thơ phong trào dè dặt hơn trong việc xuất bản tác phẩm của mình.
. Và Ngày thơ Việt Nam sẽ trở thành một sinh hoạt văn hóa thường niên, bắt đầu từ năm 2003?
- Tôi hy vọng như vậy. 35 địa phương trên toàn quốc đăng ký tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên trên toàn quốc là một thắng lợi bước đầu rất đáng trân trọng. Lá cờ thơ với biểu tượng chim lạc tung bay sẽ báo hiệu hồn thơ mãi trường tồn cùng dân tộc. Năm đầu tiên thực hiện, có thể chúng tôi sẽ không tránh được những sai sót, nhưng lần sau chắc chắn tốt hơn. Trở thành một tập tục văn hóa mới, tao nhã và có chiều sâu, chúng tôi không còn mong đợi gì hơn ở Ngày thơ Việt Nam nữa.
Mẹ
Con nhớ ngày xưa mẹ hát:
... “Hoa sen lặng lẽ dưới đầm
Hương bay dịu dàng bát ngát
Thơm tho không gian thời gian...”.
Mẹ nghèo như đóa hoa sen
Năm tháng âm thầm lặng lẽ
Giọt máu hòa theo dòng lệ
Hương đời mẹ ướp cho con.
Khi con thành đóa hoa thơm
Đời mẹ lắt lay chiếc bóng,
Con đi... chân trời gió lộng
Mẹ về... nắng quái chiều hôm.
Sen đã tàn sau mùa hạ,
Mẹ đã lìa xa cõi đời.
Sen tàn rồi sen lại nở
Mẹ thành ngôi sao lên trời .
VIỄN PHƯƠNG
Thơ dưới mắt các nhà thơ Nhà thơ LÊ ĐẠT: Một bài thơ: 1 lạng cảm hứng + 1 tạ mồ hôi Nhiều nhà thơ vẫn thường sáng tác theo sự ngẫu hứng. Nhưng theo tôi, ngẫu hứng là điểm bắt đầu, còn lại là những lao động hết sức vất vả, có thể ví một bài thơ = 1 lạng cảm hứng + 1 tạ mồ hôi của người sáng tác. Đến tận bây giờ, tôi vẫn duy trì thói quen ngày nào cũng ngồi vào bàn viết, vẫn cố tìm cho mình một hình thức thể hiện thơ mới. Đừng trách nền thơ hiện đại của chúng ta chưa định hình, bởi thời gian định hình rất lâu, rất vất vả. Chúng ta cần cảm thấy đáng mừng, đáng hoan nghênh những tìm tòi của các nhà thơ trẻ. Không có tìm tòi, không bao giờ có bứt phá và sẽ không bao giờ có một nền thơ hay. Nhà thơ DƯƠNG TƯỜNG: Sẽ nảy sinh khí mới cho thơ? Vài thập kỷ qua, thơ Việt Nam chưa phát triển được bao nhiêu. Những tên tuổi của thế hệ trước vẫn trùm bóng lên lớp trẻ, dù trong số họ, tài năng không ít như Trương Nam Hương, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư... Các nhà thơ trẻ, trong những cố gắng cá nhân, đã tìm ra những cách tân nhưng còn rời rạc và chưa hệ thống. Tổ chức một Ngày thơ Việt Nam, rồi ra một tạp chí Thơ là việc đáng lẽ ra phải làm từ lâu. Tuy nhiên, hoạt động này có khuấy lên không khí vốn bình lặng của thơ hiện nay hay không thì còn phải chờ. Tác động của Ngày thơ Việt Nam đến đâu còn phải xem cách thức tổ chức thế nào. Nếu tốt, sẽ nảy sinh sinh khí mới cho thơ, nhưng nếu không tốt, các nhà thơ sẽ dửng dưng, thờ ơ như một số giải thưởng khác. Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO: Thơ Việt Nam sẽ tạo ra những bùng nổ mới Người Việt có một tình yêu thơ ca đến lạ lùng, ngỡ như ai cũng có thể trở thành thi sĩ. Thơ không chỉ là tiếng lòng của một người, mà còn là hồn thiêng dân tộc, là tinh thần của thời đại. Với con mắt của một kẻ lạc quan, tôi tin thơ Việt Nam trong tương lai sẽ tạo ra những bùng nổ mới và sẽ đăng quang trên những thành tựu mà quá khứ rạng rỡ đã dựng lên. Ngày thơ Việt Nam sẽ là ngày hội của các nhà thơ và những người yêu thơ trong cả nước. Tất nhiên, thơ có nhiều con đường để đến với công chúng, nhưng sinh hoạt thơ cộng đồng chính là một con đường lớn cho thơ ca cất cánh bay thẳng vào lòng người. Và tôi tin, không chỉ những điều lớn lao mới thắng thế trong ngày hội thơ, mà cả những nỗi niềm sâu kín, tinh tế và có duyên cũng sẽ được chia sẻ ở đây. Nhà thơ TRƯƠNG NAM HƯƠNG: Thơ luôn ở bên và sẻ chia những buồn vui cùng dân tộc Lấy rằm Nguyên tiêu làm Ngày thơ Việt Nam là một ý tưởng rất độc đáo của nhà thơ Hữu Thỉnh, và Hội Nhà văn Việt Nam. Với lịch sử bốn ngàn năm văn hiến, thi ca luôn là người bạn tinh thần không thể thiếu trong tâm hồn, tình cảm của người Việt chúng ta. Thơ luôn ở bên và đã từng sẻ chia những buồn vui cùng dân tộc và mỗi con người qua những thời khắc cam go và ngặt nghèo. Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta do Lý Thường Kiệt sáng tác cũng chính là một bài thơ vĩ đại. Là thành viên Ban Tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM, tôi hy vọng đó sẽ là một ngày mà tất cả chúng ta dành cho thơ những tình cảm trân trọng và yêu mến. Nhà thơ THANH THẢO: Nhà thơ suốt đời cùng nhân dân mình... Người làm thơ có cái tâm hồn nhiên và hư tĩnh của đứa trẻ chăn bò, nhưng thơ lại phải vật vã chiến đấu với chính nó. Dù chẳng để làm gì. Nhà thơ suốt đời đứng cùng nhân dân mình, ở về phía những người chịu lép. Nhưng “chắc tôn ông không bằng Lép Tôn-xtôi” cơ mà!
Lục bát cầu may
I. Biết đâu say đắm vẫn còn
Thoáng cơn gió lạ, nắng dồn sang mưa
Xế chiều quay lại giữa trưa
Ngậm ngùi nối lại thời chưa biết gì...
Ngậm ngùi ư? Ngậm ngùi chi
Ngậm ngùi xong để quên đi ngậm ngùi...
Biết đâu sau lớp tro vùi
Ngón tay em có phép cời lửa lên
Vô tình thoát tục thành tiên
Một đời Từ Thức, một duyên Giáng Kiều
Viễn du thay kiếp bọt bèo
Chân mây, đầu sóng cũng liều... Biết đâu!
II. Cuộc đời đâu luận trước sau
Biết đâu hạnh phúc, biết đâu đọa đầy...
Nếu làm mây, cứ như mây
Một mai tan xuống đất này, được không?
Nếu em là kiếp bềnh bồng
Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du
Nếu em khoát mở sa mù
Thì tôi vĩnh viễn hóa bờ bến xa
Cầu may tới cõi giao hòa
Cầu may có được ngôi nhà biết yêu!
BẰNG VIỆT
Đà Lạt một lần trăng
Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
Ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi
Tiếng vó ngựa gõ giòn trên dốc vắng
Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi.
*
Em nhóm bếp củi ngo chẻ nhỏ
Ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người
Tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng
Siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi.
*
Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả
Hòn than kia đang đỏ đến hết lòng
Mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói
Mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng...
NGUYỄN DUY
Sợi tóc bạc của anh
Em cầm sợi bạc của anh
Sợ anh đau đến không đành nhổ đi
Cái đau nào có đáng gì
Mà em thương đến nhổ đi không đành!
Sợi tóc bạc giữa tóc xanh
Em run sợ nghĩ rằng mình hóa thân
Nhổ đi, đau có một lần...
Mà thôi, rồi cũng chẳng cần nữa đâu!
Rồi đây dần tóc bạc màu
Rồi đây mình sẽ mất nhau hay còn?!
Thôi thì giữ chút này thương
Hôn lên tóc nghẹn em buông trả về!
THU NGUYỆT
Bốn câu
I
Xanh rất xanh một ngày tất cả cây
bừng trên mặt đất
những tìm tòi không mỏi mệt suốt
đời anh
là vươn tới màu xanh này rất thật
báo trước cơn mưa từ một thoáng
rung cành
II
Một cành sấu mất dấu trong anh
khi những rừng cây ồn ào chiếm chỗ
anh có cả rừng cây anh ngỡ đủ
nào biết đâu anh thiếu mãi suốt
đời
THANH THẢO
Có khi
Có khi nắng chết trong màu lá
mẹ nhặt về nhen ngọn lửa chiều
có khi mưa chết trong đất khát
em gặp mùa hoa tặng người yêu
Có khi bài hát xa xưa quá
bỗng bất ngờ đến an ủi ta
và em thuở ấy đi biệt xứ
sao lại về đây. Lấp lánh. Và...
Mưa trắng đường mừa nắng ngất ngư
ai đem lụa trải tận xa mờ
có khi người chết nghìn năm trước
hồn vẫn bồng bềnh những giấc mơ!
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Bên mộ Hàn Mặc Tử, 1993
Bình luận (0)