Chương trình sẽ diễn ra sáng 22-2. Còn tại chương trình ngày thơ diễn ra ở Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM (chủ nhật, ngày 21-2), sân thơ trẻ trở thành điểm nhấn, là chủ đạo, với chủ đề hướng về biển đảo Việt Nam thay vì chỉ mang tính chất “làm cảnh”, là “phụ gia” như mọi năm.
Chủ đề “Reo vang bình minh” trên sân Văn Miếu được tổ chức khá sâu sắc với sự xuất hiện trở lại tác phẩm của các gương mặt thơ thiếu nhi đình đám một thời: “Những bài thơ nho nhỏ” - Phạm Hổ, “Bầu trời trong quả trứng” - Xuân Quỳnh, “Góc sân và khoảng trời” - Trần Đăng Khoa.
Tất cả các ấn tượng sâu sắc nhất trên sân thơ thiếu nhi sẽ vẫn chỉ thuộc về các nhà thơ “nhí” nay đã là gạo cội, nhiều người đã qua đời. Tìm trong các thế hệ làm thơ trẻ hiện tại, bao giờ mới thấy những gương mặt ấn tượng, vừa giới thiệu đã khiến người đọc rung động như “Mười quả trứng tròn”, “Mẹ ốm”… của nhà thơ Phạm Hổ? “Truyện cổ tích về loài người”, “Tại sao con gà sinh ra?”, “Tiếng gà trưa”… của Xuân Quỳnh?
Một trong những gương mặt thơ nhí của Hà Nội - Đặng Chân Nhân - từng gây ấn tượng giai đoạn những năm 2008-2012 với các tập thơ “Hình dung” (2008), “Giờ thứ 38” (NXB Hội Nhà văn) hồi năm 2009 đến mức từng được mệnh danh là “thần đồng” thơ nhí đương đại, nhiều lần được đem ra so sánh với Trần Đăng Khoa, giờ đã “biến mất” khỏi các sinh hoạt thơ ca.
Không gian thơ của phía Nam ít khi nào thể hiện được tính chất thơ ca thực sự, đặc biệt thiếu sự mơ mộng và đáng buồn là những ngày thơ lại chỉ toàn phải dùng… ca để khuấy động phong trào.
Có điều, thật buồn là ngày thơ mang tính “chính thống” do cơ quan hội tổ chức lại không phải chỗ để các anh tài thơ ca tụ hội. Mấy màn kịch thơ, hát thơ của những gương mặt trẻ khó mà để lại ấn tượng hay khẳng định đẳng cấp gì. Những lều trại inh ỏi loa đài theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” tụ tập ngồi hát quan họ, thổi kèn, đánh đàn “mua vui” đâu phải là giải pháp đưa thơ đến với đời sống?
Bình luận (0)