- Ông ngoại không ưa cháu con những người ngày kỵ giỗ ăn mặc lếch thếch. Ông không thích thanh niên mặc sơ mi ngắn tay khi làm lễ trước bàn thờ. Cháu có đứa em họ bị bắt vào lính, phiên chế đơn vị ác ôn, tính khí nhiễm chất ngang tàng, vậy mà ngày giỗ về quê, vẫn khép nép một bề.
Cháu nhìn lên gian thờ rồi vội vàng mượn người bà con chiếc Honda tàng phóng đi, lát sau mang về mấy cành hoa tươi không rõ kiếm đâu ra giữa hoang tàn chiến tranh:
- Ông ngoại không chấp nhận cúng hoa giả. Cậu biết, trong này thiếu gì hoa giấy, hoa ni lông, hoa nhựa đẹp cực kỳ, trăm phần trăm giống hoa thật, thậm chí còn rực rỡ hơn. Song ngày giỗ, cháu còn bé thế mà ông ngoại vẫn sai đi kiếm hoa tươi, bởi không còn mấy gốc hoa vạn thọ trước sân hay khóm bông trang cạnh bể nước - tất cả đã tàn lụi qua đạn bom - thì cháu thơ thẩn dọc bụi bờ tìm hái vài cành hoa dại, hoa gì cũng được, miễn là hoa thật; bí nữa thì chạy ù lên đồi bẻ mấy nhánh sim, mua... Về điểm này ông ngoại không khó tính: “Hoa gì cũng là hoa, miễn là hoa tươi, nói lên tấm lòng thơm thảo. Cúng hoa giả, hóa ra con cháu lừa dối ông bà?”.
Cũng lạ. Thân sinh tôi lớn lên khi gia đình khánh kiệt, không phải là người được học hành nhiều. Vốn liếng chữ nho của cụ may ra đủ xem gia phả, đọc văn tế, làm khế ước điền thổ... Cụ là người dạy chữ Hán cho tôi mấy tháng vỡ lòng. Chẳng bao lâu, chắc chữ nghĩa cạn, cụ cậy một ông đồ trong xóm. Tôi học chữ nho khi đã đỗ bằng yếu lược, theo quan niệm của cụ, vậy là dù chưa hẳn thì cũng sắp thành anh khóa chốn hương trung. Cho nên không phải vỡ lòng bằng những cuốn Tam thiên tự, Ngũ thiên tự như lớp trẻ cùng lứa, mà khởi đầu luôn bằng Minh Tâm bảo giám. Một cuốn sách dạy đạo lý thánh hiền qua những câu có vần điệu. Khuyên người làm điều thiện, tránh cái ác, ở hiền gặp lành, cùng đôi điều về thế thái nhân tình...
Kỷ niệm đậm nét trong tuổi ấu thơ tôi là mỗi dịp xuân về, từ nơi trọ học trên tỉnh, về quê ăn Tết. Cha tôi tự tay dọn dẹp bàn thờ, dù cuối năm trùng hợp vụ cấy chiêm, công việc đồng áng bận rộn. Dạo ấy nhà không phải băn khoăn chuyện hoa tươi. Hằng năm, sớm là hai mươi lăm, muộn là hai mươi chín tháng chạp, thế nào cũng có mấy nhành mai vàng ông bác từ thôn bên gửi sang. Làng tôi thuộc vùng ngập lũ, không thể trồng mai, trong khi bà cô tôi lấy chồng thôn bên cạnh đất cao ráo, trước sân nhà luôn sẵn mấy gốc mai vàng. Cho dù mai năm ấy mãn khai sớm hay ra nụ muộn, thế nào bác họ tôi cũng chọn vài cành đẹp nhất gửi sang ngoại lễ ông bà. Đêm giao thừa, mấy nhành mai gầy điểm bông thưa thớt theo ánh nến chiếu bóng lung linh lên vách, mùi hoa thoang thoảng quyện với hương trầm từ chiếc lư đồng nhỏ - vật đáng giá nhất gia đình còn giữ sau khi khánh kiệt. Mai vàng là loại hoa kín đáo. Gí mũi sát bông, tuyệt không cảm thấy mùi, song lùi ra xa, tĩnh tâm một lúc sẽ nhận đâu đây thoang thoảng hương thơm. Giao thừa, tôi sống trong huyền ảo tâm linh. Cha tôi đốt mấy nén hương, bỏ thêm vài lát trầm vào lư, rồi tự tay đun nước pha ấm trà dâng tiên tổ, sau đó thưởng thức một mình. Tôi ngồi chầu rìa, được cho một chén trà hương, còn chiếu cố thêm cục đường phèn - thứ xa xỉ này chỉ ngày Tết mới có. Lớn lên, và trong suốt cuộc đời dài lâu, tôi từng đến nhiều góc biển chân trời, có dịp thưởng thức của ngon vật lạ, song chưa một lần gặp lại bầu không khí tinh khôi hương trầm thoang thoảng quyện hương mai thanh khiết lúc vào xuân.
Ông tôi có kể cho nghe khi tôi còn rất bé, rồi sau này lại kể cho đứa cháu ngoại khi cháu cũng còn rất bé, chuyện vua Hàm Nghi trên đường xuất bôn ghé nghỉ qua đêm tại nhà ông nội. Hẳn là vang bóng khí tiết cần vương đã giúp thân sinh tôi đủ nghị lực ngẩng cao đầu qua hai cuộc kháng chiến. Cụ sống yên phận, gần như ẩn cư, tưởng chừng bỏ ngoài tai mắt mọi thăng trầm thế sự, lặng lẽ chờ con, đợi vận nước. Tôi rời quê đi biền biệt từ kháng chiến toàn quốc cho đến sau năm 1975 mới có dịp trở về. Cha tôi chắc trông chờ quá đỗi, đôi mắt cụ lòa dần rồi mất hẳn ánh sáng. Cụ qua đời ở tuổi 95, không ốm đau mà lịm đi như cây già lụi khô vì kiệt nhựa, mấy tháng trước khi quê hương giải phóng hoàn toàn. Ngày thống nhất, gia đình quy tập di cốt cụ đưa về táng ở quê, một người bà con viếng đôi câu đối:
Khói lửa mịt mùng vẫn một dạ chờ con đợi nước
Non sông toàn vẹn thỏa linh hồn vui nước mừng con.
Bình luận (0)