Mượn vòng hợp âm (beat nhạc) có sẵn từ một ca khúc kinh điển hay ít nhất là quen thuộc, người viết ca khúc sẽ sáng tạo thành tác phẩm mới cho mình. Đó là xu hướng sáng tác của ca khúc Việt hiện nay.
Chấp nhận mua bản quyền
Gửi 96 bức thư điện tử đề nghị được mua một đoạn nhạc beat của ca khúc “Be my lover” từ công ty nắm giữ bản quyền Warner & Chappell Music, người quản lý của ca sĩ Bảo Anh là Lâm Thành Kim mới nhận được thư phản hồi. “Be my lover”, một ca khúc kinh điển của thị trường nhạc Âu - Mỹ thập niên 1990, gắn liền với giọng ca La Bouche huyền thoại.
5.000 USD tiền tác quyền cho đoạn beat điệp khúc rất đỗi quen thuộc của ca khúc “Be my lover” khiến chi phí cho “Lần đầu” (sáng tác trên beat bài “Be my lover”) của Bảo Anh bị đội lên nhiều hơn so với dự định. Tuy nhiên, tiền chưa đáng nói so với quãng thời gian chờ đợi sự phản hồi từ Warner & Chappell Music. “Hơn 3 tháng, ca khúc mới hoàn thành dù chúng tôi đã chuẩn bị từ rất lâu trước đó” - Lâm Thành Kim cho biết.
Dù tốn kém và nhiêu khê nhưng việc tìm mua bản quyền một đoạn beat để viết ca khúc đang trở thành xu hướng sáng tác không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Thị trường âm nhạc Âu - Mỹ và K-pop (Hàn Quốc) đã và đang áp dụng phương thức sáng tác sử dụng beat ca khúc cũ để viết ca khúc mới. Cách thức này đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ca khúc mới rất lớn của ca sĩ ngày nay. Có người cho rằng việc mượn beat cũ để sinh sản ca khúc mới chính là “tôn vinh những giá trị cũ đã trở thành dấu son ở thị trường âm nhạc” - như chia sẻ của nhà sản xuất âm nhạc lừng danh Jay Z khi nói về xu hướng sử dụng beat cũ làm nền cho những sáng tác mới.
Việc ca sĩ Bảo Anh cùng ê-kíp của mình vất vả thương thuyết để mua đoạn beat “Be my lover” cho ca khúc “Lần đầu” của cô là một chuyện hiếm ở thị trường nhạc Việt. Nhạc sĩ Mew Amazing (tác giả ca khúc “Lần đầu”) giải thích: “Thật ra, phía đối tác nước ngoài không mấy quan tâm đến thị trường âm nhạc nhỏ bé như Việt Nam nhưng họ muốn vấn đề tác quyền phải được tôn trọng”.
Nhạc sĩ trẻ Mew Amazing cho rằng khi đã muốn làm nghề một cách chuyên nghiệp, điều đầu tiên phải làm là tôn trọng giá trị sáng tạo của người khác.
Sáng tạo chứ không sao chép
Không phải tự nhiên một ca khúc được xây dựng trên nền một đoạn beat quen thuộc lại trở thành xu hướng như hiện nay. Giới nhạc sĩ cho rằng thành công của một ca khúc sáng tác trên beat nhạc của ca khúc nổi tiếng nào đó có được là nhờ hiệu ứng của đoạn beat xuất sắc đó. Đoạn beat nguyên mẫu ấy thu hút người nghe cho ca khúc mới.
“Tuy nhiên, việc không kiểm soát được dung lượng vay mượn sẽ dễ biến ca khúc mới được làm ra trên đoạn beat có sẵn thành thứ sao chép” - nhạc sĩ Trần Minh Phi lo ngại. Theo anh, đáng buồn là việc mượn beat để làm nhạc của V-pop thời gian qua gần như rơi vào tình trạng sao chép, đạo beat.
Nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi cho biết anh không thể hiểu việc V-pop bị ảnh hưởng nặng nề bởi K-pop theo chiều hướng sao chép, trong khi K-pop cũng được xây dựng từ nguyên mẫu nhạc Âu - Mỹ. Chỉ khác là họ biết sáng tạo trên các sáng tác có sẵn để làm ra những ca khúc mang phong vị riêng. Trong khi đó, V-pop lại sao chép nguyên mẫu từ K-pop mà không có sáng tạo gì. V-pop đang cố theo đuổi xu hướng nhưng lại bỏ đi phần sáng tạo riêng. Điều đó giải thích vì sao nhiều ca khúc mới của V-pop bị tố đạo nhạc.
Mới đây, nhà sản xuất âm nhạc người Ý Razihel đã viết bình luận ngay dưới MV (video ca nhạc) ca khúc “Dựa” mà Maya biểu diễn trong chương trình “Hòa âm và Ánh sáng - Remix” (sáng tác: nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, producer Javix): “Whoever made this beat stole the drop from my song “Legends”. Congrats!” (Tạm dịch: Ai đó đã đánh cắp giai điệu từ bài bát “Legends” của tôi. Xin chúc mừng!). Thậm chí, Razihel còn chia sẻ phần thi của Maya trên twitter cá nhân với lời tố cáo: “Họ đã ăn cắp nhạc từ ca khúc “Legends” của tôi”.
Không bị tố “đạo nhạc” như Maya nhưng giới chuyên môn và công chúng sành nhạc không khó nhận ra ca khúc “Crazy” - do Hoàng Touliver thực hiện, đang rất ăn khách qua giọng hát Hoàng Thùy Linh - mang vóc dáng của rất nhiều bản “hit” (ăn khách) trên thế giới của Britney Spear và cả Michael Jackson. Trước đó, ca khúc “Tương tự” do nhóm FBBoiz sáng tác đã tạo sóng dư luận khi được trao giải “Bài hát Việt” nhưng ngay sau đó bị phát hiện sao chép beat ca khúc “Chuchuchu” của nhóm B1A4 (Hàn Quốc). FBBoiz đã phải trả lại giải thưởng cho ban tổ chức chương trình. Sao chép nguyên xi nhạc Hàn cũng là tình trạng phổ biến của nhiều bạn trẻ viết ca khúc hiện nay, Sơn Tùng M-TP là điển hình.
Việc biến beat có sẵn thành một ca khúc hoàn toàn mới không hẳn là dễ. “Một số người tham gia sáng tác ca khúc không được tử tế, muốn nhanh có tên tuổi nên cứ dựa trên những ca khúc ngoại hay, nổi tiếng, đang ăn khách để viết nhái lại na ná như vậy. Nếu bị chỉ trích, họ có thể thanh minh rằng đó chỉ là do ảnh hưởng hoặc sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi” - nhạc sĩ Trần Minh Phi băn khoăn.
Khó thể đứng ngoài cuộc
Thực tế, không ít ca khúc nước ngoài được sáng tạo theo hình thức này đã gặt hái thành công vang dội trên bảng xếp hạng âm nhạc danh tiếng, đỉnh cao là “On the floor” của Jennifer Lopez hay “What goes around… comes around” của Justin Timberlake khi sử dụng lại nhạc của Michael Jackson... K-pop nhanh chóng áp dụng phương thức này và gặt hái thành công ngoài mong đợi. V-pop cũng khó thể đứng ngoài cuộc.
Nói về hiệu ứng của ca khúc “Lần đầu” khi sử dụng đoạn beat của “Be my lover”, ca sĩ Bảo Anh kể: “Nhiều khách nước ngoài đã hỏi tôi về “Lần đầu” khi họ nghe đoạn nhạc “Be my lover” mở đầu cho ca khúc này. Không ít khán giả Tây thấy thú vị vì “không ngờ nhạc Việt lại có thể kết hợp với nhạc Âu - Mỹ một cách nhuần nhuyễn đến vậy”. Một ca khúc thể hiện được bản sắc âm nhạc Việt Nam nhưng vẫn giữ tinh thần nhạc Âu - Mỹ. Với tôi, những lời khen đó là thành công của “Lần đầu”.
Bình luận (0)