Sau khi đoạt ngôi vị quán quân cuộc thi “Thử thách cùng bước nhảy”, Quang Đăng đã nỗ lực để gầy dựng Trung tâm Dạy nhảy Life trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM. Quang Đăng cho biết: “Trung tâm đã có 40 học viên vũ công. Để quản lý tốt cũng không đơn giản, tìm nguồn kinh phí duy trì trung tâm trong thời buổi kinh tế khó khăn này lại càng khó”.
Thu nhập giảm 50%
Phong trào nhảy múa từng có thời gian phát triển rầm rộ. Khi hàng loạt chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa thu hút được công chúng quan tâm cùng với sự phát triển của dòng nhạc EDM (electronic dance music), những tưởng hoạt động nhảy múa chuyên nghiệp càng có điều kiện phát triển, trong đó những vũ đoàn minh họa cho ca sĩ sẽ ăn nên làm ra. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại.
Nhiều người trong cuộc khẳng định các vũ đoàn chuyên nghiệp đang ế sô. Biên đạo Quang Đăng thừa nhận: “Không còn nhiều sô diễn như trước nên thu nhập của diễn viên múa cũng giảm trên dưới 50%. Điều đó làm cho sự cạnh tranh của vũ công căng thẳng hơn trước”. Chưa kể, các chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình cũng đang giảm dần nên công việc nhảy múa minh họa cho tiết mục trình diễn của ca sĩ càng ít đi.
Theo Minh Châu, vợ biên đạo Lâm Vinh Hải và là quản lý nhóm nhảy MTE, các vũ đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn so với trước đây. “Lúc trước, nhóm MTE có sô diễn suốt tuần, trung bình 7-8 chương trình/tuần nhưng nay có được 3-4 chương trình là cao lắm rồi. Diễn ít thì thu nhập giảm đáng kể dù những khoản đầu tư cho vũ đoàn vẫn như cũ, thậm chí nhỉnh hơn để giành ưu thế cạnh tranh với các vũ đoàn khác” - Minh Châu cho biết.
Ngay cả vài nhóm nhảy đắt sô nhất hiện nay cũng phải than khó. Hồ Quang Vinh, tTrưởng Vũ đoàn Bước Nhảy, so sánh: Ca sĩ trước đây thường gọi vũ đoàn 4-5 thành viên để hỗ trợ tiết mục biểu diễn của họ khi đi diễn ở tỉnh xa thì nay chỉ cần 2 vũ công là cao. Thậm chí, nhiều ca sĩ không sử dụng vũ đoàn. Nếu tiết mục biểu diễn bắt buộc phải có nhảy múa minh họa, họ sẽ tìm vũ đoàn ở địa phương, tập tành qua loa chỉ đủ để khuấy động là được.
“Thu nhập của vũ công giờ khó khăn hơn rất nhiều. Trừ đi các khoản đầu tư cho trang phục, nhiều vũ công không đủ sống. Trước đây, số lượng sô diễn nhiều nên dù cát-sê thấp nhưng gom lại cũng cao. Còn bây giờ, cát-sê vẫn vậy nhưng ít sô diễn nên khó khăn là không tránh khỏi” - Quang Vinh bày tỏ.
Nhạt nhẽo, nhàm chán
“Vũ công a-lô” là cụm từ để chỉ những vũ công hoạt động độc lập, nhóm nhảy vài ba người mà hễ ai gọi sô diễn là có mặt, kiểu nào cũng tham gia. Họ túc trực tại các chương trình truyền hình, game show và gom quân khi có yêu cầu, bỏ vài giờ tập dượt một số động tác múa minh họa là có thể biểu diễn. Biên đạo Huỳnh Mến chán nản: “Không phải tự nhiên mà vũ đoàn, vũ công nhảy múa minh họa lại bị công chúng chê bai nhiều như hiện nay. Chất lượng biểu diễn của múa minh họa hiện nay phần lớn quá kém, tạo bất công cho những người làm nghề tâm huyết”.
Ngay những nhóm nhảy chuyên nghiệp có tiếng như ABC, Hoàng Thông, Bước nhảy, OH, The Girls… cũng không tránh khỏi gây nhàm chán cho người xem bởi tư duy “cover” những gì có sẵn thay vì sáng tạo riêng biệt. Người xem không khó nhận ra những động tác quen thuộc của nhóm nhảy múa nào đó cho tiết mục của một ca sĩ hay nhiều ca sĩ khác nhau. Nhận sô với thù lao rẻ, các nhóm múa xào nấu lại những bài biên đạo của các tiết mục đã diễn rồi thêm thắt đôi ba động tác để tạo ra tiết mục mới mà không phải trả tiền thuê biên đạo mới. Bài biên đạo của vũ đoàn minh họa hiện nay chủ yếu là “cover” từ nhiều bài nhảy nổi tiếng của ca sĩ thế giới, sau đó xé ra thành nhiều bài diễn minh họa khác nhau. Tư duy “xào nấu” khiến nghệ thuật nhảy múa chuyên nghiệp ngày càng trở nên nhạt nhẽo trong mắt công chúng.
Công việc càng ít đi, đời sống càng khó khăn nên chẳng còn mấy người quan tâm đến chuyện đầu tư phát triển nghề cho đội ngũ nhảy múa chuyên nghiệp. Nghề nhảy múa chuyên nghiệp có tuổi thọ rất ngắn nên ai cũng tranh thủ kiếm tiền. Điều đó kéo theo chuyên môn nhảy múa ngày càng xuống cấp.
Ít vũ đoàn có chất lượng
Hoạt động nhảy múa ngày càng nở rộ nhưng những vũ đoàn chuyên nghiệp được đánh giá cao về chất lượng hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thị trường biểu diễn gần như không có những tác phẩm nhảy múa độc lập thực sự.
Thỉnh thoảng, công chúng được thưởng thức những tác phẩm múa từ vũ đoàn Arabesque của biên đạo Tấn Lộc hay vũ đoàn UDG của biên đạo John Huy Trần… Những vũ đoàn này thường xuyên có vũ công tham gia các cuộc tranh tài về nhảy múa trong nước và khu vực. Thế nhưng, chỉ chừng đó thôi vẫn chưa đủ sức tạo lạc quan cho cộng đồng nhảy múa khi những người chuyên nghiệp không sống nổi với nghề như hiện nay.
Bình luận (0)