Tham gia chương trình chống nghèo Jubilee 2000. - Bono và nhóm U2 của anh là nhóm “ca khúc chính trị” duy nhất hiện nay. Không chỉ thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, U2 – trong đó nổi bật nhất luôn là nhân vật trụ cột Bono (tên thật Paul Hewson) – còn hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực từ thiện cộng đồng. Bono (41 tuổi) là một trong những gương mặt ca sĩ được giới chính khách thế giới tôn trọng, từ Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, Đức Giáo hoàng John Paul II, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hoạt động từ thiện của Bono không phải là trò phô trương mang tính thời thượng. Từ giữa thập niên 1980, Bono đã xuất hiện trong nhiều chương trình hòa nhạc gây quỹ giúp nước nghèo, đặc biệt châu Phi, trong đó có chương trình Band Aid và Live Aid. Không thuần túy dùng tài năng âm nhạc để lôi kéo sự chú ý nhất thời, bản thân Bono cùng vợ (Alison Stewart) còn đích thân đến sống hòa nhập tại Wello (Ethiopia) trong sáu tuần để hiểu thấu đáo nỗi khổ của dân địa phương. Cuộc đấu tranh chống nghèo của Bono sau đó một lần nữa thể hiện tại chương trình Jubilee 2000 do Giáo hoàng John Paul II thực hiện nhân kỷ niệm Năm Lễ thánh. Mục tiêu của Jubilee 2000 là kêu gọi Mỹ cùng các nước giàu xóa nợ cho nước nghèo, kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) động lòng trước nỗi khổ của hàng triệu người có cuộc sống khốn khó tại 52 nước nghèo nhất thế giới. Bằng cách duy nhất xóa sổ 350 triệu USD nợ, những quốc gia khốn cùng này mới có thể đầu tư cho y tế và giáo dục – hai trong những phương tiện tối quan trọng trong việc khắc phục nạn lạc hậu và nghèo khổ.
Bono thuyết phục các ông nghị Mỹ.- Cuộc vận động của chiến dịch Jubilee 2000 thoạt đầu khó khăn và vô vọng như thể cuộc chiến của Don Quixote quyết đấu với cái cối xay – theo lời kể của Marie Dennis, giám đốc Văn phòng Maryknoll về những quan tâm toàn cầu (một tổ chức Công giáo). Cuối cùng, một buổi tiệc trong Nhà Trắng đã được tổ chức, với tham dự của những chàng Don Quixote trong Jubilee 2000, nhằm ăn mừng việc Chính phủ Mỹ quyết định xóa 435 triệu USD trong 90 tỉ USD mà hơn 30 nước nghèo đang nợ. IMF và WB cũng ngưng thúc đòi tiền 22 nước nghèo nhất thế giới... Để đạt được điều này, Bono đã nhiều lần gặp riêng các ông nghị Mỹ nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ chuẩn y đề xuất của Tổng thống Clinton (và có lần anh gặp cả George W. Bush hồi ông còn là thống đốc Texas). Chiến dịch Jubilee 2000 thành công, với cuộc đấu tranh dài hơi và góp được tổng cộng 22,1 triệu chữ ký (nhiều nhất tính đến thời điểm hiện nay). Sau Jubilee 2000, Bono chưa dừng lại. Năm ngoái, Jubilee 2000 đổi tên thành Drop the debt (Xóa nợ) và cách đây không lâu Bono cũng thành lập tổ chức DATA (Debt, Aid, Trade for Africa). DATA ra đời nhằm kêu gọi xóa nghèo, viện trợ tài chính ngắn hạn và bỏ cấm vận cho nhiều nước châu Phi. Tháng 1-2001, Bono đã gặp Ngoại trưởng Colin Powell để thuyết phục Chính phủ Mỹ hỗ trợ hoạt động của tổ chức mình. Và những ngày cuối tháng 5-2002, anh lại đến bốn nước châu Phi (Ghana, Nam Phi, Uganda, Ethiopia) trong chiến dịch vận động chống AIDS...
Thành công của Bono (xét ở yếu tố hoạt động xã hội) là anh khéo léo dùng sự nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật của mình để tiếp cận giới chính trị. Hơn nữa, sự chân thật của anh khiến nhiều nguyên thủ và chính khách phải cảm động. Anh đấu tranh cho nước nghèo với tinh thần bất vụ lợi.
Bình luận (0)