Có người bảo phải là “liệt vị” vì “liệt” là trong từ “tê liệt” (chỉ trọng tài phạt lỗi bắt dừng lại, không thể tiếp tục tấn công được nữa). Có người lại cho rằng “liệt” ở đây là hàng lối. Ý là cầu thủ phạm lỗi “liệt vị” là băng xuống vị trí phía dưới hàng cầu thủ đối phương. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng không phải “việt vị” hay “liệt vị” mà là “việc vị”, nghĩa là làm “việc” ấy (ghi bàn) khi đứng không đúng vị trí (!). Nhiều người dùng đúng, không ít người dùng sai; lại có cả những người luôn ngập ngừng không biết “việt vị” và “liệt vị” nên dùng từ nào cho đúng; tại sao lại đúng, tại sao lại sai.
Với khán giả đam mê bóng đá là như vậy. Đối với các cầu thủ chuyên nghiệp, chuyện phân biệt “việt” hay “liệt” cũng có sự lúng túng không kém. Vậy “việt vị” hay “liệt vị”? Có thể khẳng định rằng “việt vị” 越位 chứ không phải “liệt vị”:
- “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm Từ điển học Vietlex): “việt vị • 越位 d. Lỗi của cầu thủ bóng đá khi nhận bóng để tiến công ở phần sân đối phương mà phía trước không có cầu thủ nào của phía đối phương, trừ thủ môn: rơi vào bẫy việt vị”.
- “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “việt vị • d. Lỗi của cầu thủ vào gần thành của đối phương hơn mọi cầu thủ bên kia khi bóng còn ở sau mình”.
Nhưng tại sao lại gọi lỗi đó là “việt vị” 越位? Theo nghĩa Hán - Việt, “việt” là vượt qua, vượt lên, “vị” là nơi, chỗ, vị trí. “Việt vị” nghĩa là một người nào đó (ở đây cụ thể là cầu thủ bóng đá) đã vượt quá vị trí mà luật bóng đá quy định trong tình huống tấn công:
- “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “việt vị • đt. Vượt khỏi chỗ mình • (hẹp). Tới gần thành địch mà trước mặt mình không có ít lắm là 2 cầu-thủ địch khi mình không có quả banh dưới chân hoặc ngang hay trước mặt mình: Việt-vị bị phạt; thổi-việt vị. • (lóng): Ngồi mâm này mà với gắp đồ ăn mâm khác: Cấm việt-vị nghe bồ”.
- “Từ điển Hán-Anh” (cidict.net) giảng rất rõ ràng:
“越位-offside [越: to exceed; to climb over; to surpass; the more... the more; 位: position; location; (measure word for persons); place; seat...]”.
Từ “việt” với nghĩa vượt qua, vượt lên còn xuất hiện trong các trường hợp khác như: “việt cấp” 越級 (vượt quá bực), “việt lễ” 越禮 (vượt qua lễ phép), “việt quyền”越權 (vượt qua quyền hạn của mình)... Trong khi từ Hán Việt “liệt vị” 列位 lại có nghĩa là: các ngài!
Bình luận (0)