xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thực hiện Công ước Berne: Nhạc nhái hết chỗ, nhạc Việt lên ngôi

T.Tr ghi

Khi Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam, thị trường âm nhạc trong nước sẽ không còn những ca khúc nhạc ngoại lời Việt phát triển một cách vô tội vạ như hiện nay. Âm nhạc Việt Nam có điều kiện khơi dậy sức sáng tạo

Tháng 10-2004 là thời điểm phát sinh hiệu lực Công ước Berne tại Việt Nam. Theo Cục Bản quyền tác giả văn học – nghệ thuật, khi Việt Nam là thành viên của Công ước Berne thì Nhà nước Việt Nam phải bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm của các quốc gia thành viên (hiện có 155 quốc gia thành viên), đồng thời các quốc gia này cũng có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm thuộc Việt Nam, trong đó có các tác phẩm âm nhạc.

Hàng trăm ca khúc nhạc ngoại lời Việt sẽ không được tiếp tục sử dụng

Theo thống kê của Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VHTT TPHCM, năm 2003 có 460 ca khúc mới nhạc ngoại lời Việt được sử dụng sản xuất băng đĩa nhạc và biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2004, loại ca khúc này được sử dụng ở hai hoạt động trên lên đến 160 bài. Tỉ lệ trung bình của các ca khúc nhạc ngoại lời Việt trong số các ca khúc được sử dụng sản xuất băng đĩa nhạc và biểu diễn là 1/3. Đây quả là một con số không nhỏ trong tổng số ca khúc đang được khai thác trên thị trường ca nhạc cả nước. Đó là chưa kể đến số ca khúc nhạc ngoại lời Việt đã đưa vào sử dụng trong những năm trước đó vẫn còn hiệu lực điều chỉnh của công ước này. Điều đáng nói là hầu hết ca khúc nhạc ngoại lời Việt đang sử dụng hiện nay đều không được phép của các tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ở nước ngoài. Theo ông Võ Trọng Nam, Trưởng Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VHTT TPHCM, sở đã có những cuộc họp triển khai việc thực thi Công ước Berne với các trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc, các đơn vị hoạt động tổ chức biểu diễn trên địa bàn TPHCM, trong đó có quy định sẽ không cấp phép sản xuất và biểu diễn cho những chương trình ca nhạc sử dụng tác phẩm âm nhạc có nguồn gốc nước ngoài khi chưa có sự chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đó. Như vậy những ca khúc nhạc ngoại lời Việt không có giấy chứng nhận bản quyền như đã nói sẽ không được phép sử dụng để sản xuất băng đĩa nhạc và biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp khi Công ước Berne được thực thi tại Việt Nam.

Các công ty kinh doanh bảo hộ bản quyền đã có mặt ở VN

Thời gian qua, những kẻ đạo nhạc trong nước có điều kiện “làm mưa làm gió” là bởi Việt Nam chưa tham gia Công ước Berne, ngoại trừ hai nước Mỹ và Thụy Sĩ đã ký kết hiệp định về bảo hộ tác quyền với Việt Nam. Do vậy các trường hợp đạo nhạc trong thời gian qua bị dư luận, báo chí phanh phui chỉ bị thiệt hại về mặt danh dự uy tín, chưa bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật quốc tế.

Mặc dù thời điểm dự kiến Công ước Berne có hiệu lực thực thi tại Việt Nam là tháng 10-2004 nhưng hiện các công ty, tổ chức môi giới kinh doanh bản quyền của các nước Mỹ, Úc, Canada... đã có mặt tại Việt Nam và đặt quan hệ với các văn phòng luật sư của Việt Nam. Ngoài việc môi giới mua và bán bản quyền, các công ty, tổ chức này sẽ thực hiện giám sát việc thực thi bản quyền của các cá nhân, tổ chức Việt Nam đối với những tác phẩm văn học nghệ thuật mà thân chủ của họ ở các nước đã ủy thác. Chính sự có mặt của các công ty, tổ chức này sẽ triệt tiêu tình trạng ăn cắp, sao chép nhạc nước ngoài của giới sáng tác trong nước như đã diễn ra trong thời gian qua.

Cơ hội sáng tạo của nhạc sĩ

Việc thực thi nghiêm túc Công ước Berne sẽ góp phần rất lớn hạn chế tình trạng thị trường âm nhạc Việt Nam sử dụng vô tội vạ ca khúc nhạc ngoại lời Việt, tạo đất sống cho các ca khúc nhạc Việt. Sự khan hiếm các ca khúc nhạc ngoại lời Việt trong thời gian tới bắt buộc các nhà sản xuất băng đĩa nhạc, các nhà tổ chức biểu diễn phải đầu tư đặt hàng ca khúc sáng tác trong nước. Giá trị sáng tạo của các nhạc sĩ sẽ được coi trọng, tác phẩm âm nhạc của họ khi đưa vào khai thác, sử dụng không còn bị trả tiền tác quyền với cái giá bèo bọt như hiện nay. Từ đó kích thích sức sáng tạo của đội ngũ nhạc sĩ trong nước, giúp họ có điều kiện thuận lợi đầu tư cho sáng tác, hướng đến những tác phẩm âm nhạc có giá trị cao.

Ân Thông

-----------------------------

Ông Đinh Trung Cẩn, quyền Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, khu vực phía Nam:

Muốn kích thích sáng tạo, phải giải quyết rốt ráo tác quyền cho nhạc sĩ

Từ khi trung tâm ra đời đến nay, có thể nói ý thức về mặt thực thi bản quyền ở nước ta đã có chuyển biến đáng kể. Một số anh em nhạc sĩ, sau khi sáng tác xong đã chủ động tìm đến trung tâm ký ủy thác về mặt bản quyền. Chỉ tính 2 tháng gần đây, số tiền trung tâm thu được để trả lại cho các nhạc sĩ ở khu vực phía Nam lên đến hơn 400 triệu đồng, trong đó cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trả nhiều nhất.

Cuối tháng 7 vừa qua, trung tâm đã ký hợp đồng về quyền tác giả âm nhạc với Đài Truyền hình VN (VTV). Hiện chúng tôi cũng đã ký biên bản ghi nhớ về vấn đề này với sở VHTT các tỉnh, thành phía Nam. Theo đó, bất cứ đơn vị, cá nhân nào có những hoạt động liên quan đến âm nhạc hoặc mang tính chất kinh doanh âm nhạc, chẳng hạn các điểm karaoke, trung tâm dịch vụ truyền hình, công ty điện thoại (nhạc chuông điện thoại)... đều phải trả tác quyền. Muốn kích thích sáng tạo, chúng ta phải giải quyết rốt ráo tác quyền cho nhạc sĩ.

Tuy Bộ VHTT đã tạo rất nhiều điều kiện để thực hiện quyền tác giả nhưng nhìn chung cần phải có thêm văn bản pháp quy mạnh hơn để các cơ quan chức năng thực thi triệt để.

H.Nhu ghi

Ý KIẾN

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu:

Sẽ hạn chế bệnh lười ở người sáng tác nhạc trẻ

Việc thực hiện Công ước Berne sẽ hạn chế bớt sự lười sáng tạo, lười suy nghĩ của vài nhạc sĩ trẻ, đồng thời kích thích sự sáng tạo ở họ để nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc hay. Tuy nhiên, công ước này cũng gây ra một số hạn chế vì có những ca khúc nước ngoài rất kinh điển nhưng nếu không được chuyển sang lời Việt thì người Việt không hiểu hết cái thần của ca khúc, mà ngay bản thân ca khúc cũng không được phổ biến một cách rộng rãi đến người hâm mộ ở nhiều quốc gia. Tôi chưa được biết rõ lắm về Công ước Berne nhưng trước mắt, cái lợi mà công ước này đem lại là hạn chế đến tối đa việc chuyển lời bài hát một cách cẩu thả và rộng rãi như thời gian vừa qua.

Nhạc sĩ Từ Huy:

Nhạc sĩ chân chính sẽ được trả công xứng đáng

Theo tôi, với Công ước Berne, việc giới thiệu âm nhạc Việt Nam sẽ được thực hiện dễ dàng và phổ biến hơn. Chính điều này sẽ làm hạn chế hiện tượng khán giả Việt Nam chỉ nghe nhạc nước ngoài, quay lưng lại với nhạc dân tộc. Và những nhạc sĩ chân chính cũng sẽ được trả công xứng đáng hơn.

Ca sĩ Lý Hải:

Sẽ cố gắng viết ca khúc cho riêng mình

Là người chuyên hát những ca khúc nhạc Hoa lời Việt, tôi sẽ gặp khó khăn trong việc chọn ca khúc cho mình trong thời gian tới. Nhưng điều này hoàn toàn hợp lý vì Công ước Berne phần nào lấy lại công bằng cho những nhạc sĩ sáng tác bài hát gốc, đồng thời hạn chế việc sáng tác, chuyển lời ca khúc một cách cẩu thả như thời gian vừa qua. Trước mắt tôi sẽ hợp tác với một số nhạc sĩ ăn ý sáng tác những ca khúc Việt cho tôi, bản thân tôi cũng sẽ cố gắng viết ca khúc Việt cho riêng mình. Không riêng gì tôi mà nhiều ca sĩ khác cũng đã chuẩn bị tư thế để làm đúng những điều khoản mà Công ước Berne quy định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo