Cũng là một cuộc thi hát dành cho lứa tuổi thiếu nhi nhưng lần đầu tiên các em thi hát những bài bản ĐCTT Nam Bộ.
Sau giai đoạn tuyển sinh diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, 28 thí sinh đã được lựa chọn vào vòng bán kết. Sau 2 đêm bán kết diễn ra giữa tháng 6, với chủ đề là các điệu lý, các em đã thể hiện những bài lý phổ biến của dân ca Nam Bộ được viết lời mới phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Thạc sĩ Huỳnh Khải, thành viên Hội đồng bình luận (cuộc thi không có ban giám khảo), nhận xét: “Với nội dung gần gũi của lứa tuổi học sinh, lồng ghép vào đó những bài học giáo dục nhân cách, đạo đức, như: chăm học, chăm làm, thương yêu gia đình, tự hào về quê hương đất nước…, các em đã hát say sưa, rót thêm vào lòng khán giả mộ điệu tình yêu những bài bản ĐCTT Nam Bộ, những bài lý, dân ca”.
Có những thí sinh không chỉ hát hay mà còn đàn giỏi như Nguyệt Thu. Cô bé 12 tuổi này đã chinh phục khán giả bằng tài năng độc tấu đàn bầu và đàn tranh cực kỳ điêu luyện. Điều này cho thấy thế hệ trẻ ở ĐBSCL đã được tiếp cận với âm nhạc cổ truyền từ rất sớm. Một thí sinh hết sức đặc biệt là bé Nguyễn Thị Phương Thanh, người Bắc nhưng lại thể hiện dân ca Nam Bộ và bài bản ĐCTT rất hay nhờ được nuôi dạy ở chùa Bồ Đề Long An, được học ca hát từ bé.
Đêm chung kết 4 sẽ được tổ chức vào tối 12-8 tại Khu Lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Bạc Liêu. Những thí sinh đáng yêu cùng những câu chuyện sinh động về các em đã giữ chân khán giả khi đến với cuộc thi, tất cả đều tấm tắc khen ngợi: “Thương quá!”.
Không dừng lại ở những đêm thi, “Ngôi nhà chung” của chương trình “Giọng ca nhí - Hò, xự, xang, xê, cống” còn là nơi để các em có điều kiện được luyện tập ĐCTT do các nghệ nhân hướng dẫn, khơi mở khả năng tiềm ẩn, tập cho các em những bài bản đặc trưng của nghệ thuật ĐCTT. Xen giữa những buổi học và các đêm thi là những chương trình dã ngoại tìm hiểu về sức sống của ĐCTT Nam Bộ trong lòng người dân phương Nam.
Ban tổ chức đã rất nỗ lực để đưa chương trình lên sóng truyền hình, để đến được với khán giả phương Nam, nơi mà ĐCTT sau hơn thế kỷ hình thành vẫn mãi là phần máu thịt của con người và mảnh đất đã sản sinh ra giai điệu ngũ cung: hò, xự, xang, xê, cống.
Bình luận (0)